Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai - Ch.1
- Mai Phong
- Aug 5, 2021
- 8 min read
CHƯƠNG 1
Ánh chiều tà dần buông xuống nơi Quảng Hàn cung, trong một góc thư phòng có một nữ tử đang ngồi tỉ mỉ ghi chép sổ sách, dường như nàng đang thật chăm chú, đến nỗi gia nhân muốn nhắc nhở nàng đã tới giờ dùng thiện nhưng chỉ đành đứng nhìn, không dám lên tiếng, vì sợ mình sẽ làm phân tán sự tập trung của chủ nhân. Một ánh nắng nhàn nhạt xuyên qua căn phòng, bất giác nàng nhìn lên, không ngờ trời đã sắp tối rồi. Nàng dừng bút, dặn dò gia nhân vài chuyện của điền trang, nhờ thị vệ gửi đi một bức thư rồi rời khỏi thư phòng.
Từ thời tổ tiên đã có lệ, các công chúa con Vua xưa nay đều được cấp ruộng đất để lập thái ấp, xây điền trang. Là công chúa Huy Ninh của Vua Minh Tông, nàng tất nhiên có phần. Quảng Hàn Cung này cũng là cung điện được Vua cha ban cho nàng trước khi xuất giá. Nay phu quân nàng đã mất, nàng muốn dọn về nơi này ở, Quan gia (1) miễn cưỡng đồng ý với nàng, cho nàng tùy ý hành sự.
Trong nhà Huy Ninh là con út, Quan gia là anh trai của Huy Ninh. Ngài tên Trần Phủ. Gia tộc họ Trần cai trị Đại Việt hơn trăm năm, có thể xem là giữ vững giang sơn xã tắc, dân chúng ấm no, thiên hạ thái bình. Tuy nhiên đến đời của Huy Ninh, anh trai nàng là Dụ Tông Hoàng Đế chẳng may không có con thừa tự, lại không biết bàn bạc với Thái Hoàng tính kế vì xã tắc mà lại xuống chiếu đón Nhật Lễ vào nối ngôi đại thống, gây một trận náo loạn. Nhật Lễ vốn không phải họ Trần, hắn họ Dương, mẹ hắn là người của gánh hát, một lần Cung Túc Vương đi xem kịch, thấy nàng xinh đẹp nên lấy làm vợ. Khi đó, nàng đã mang thai Nhật Lễ, Cung Túc Vương xem như không có chuyện gì mà nhận làm con mình.
Nhật Lễ ở ngôi vua 1 năm, làm ra không biết bao nhiêu chuyện khiến người đời thất vọng. Không những không phải là một ông vua yêu nước thương dân, mà còn là kẻ rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ thích rong chơi, nghe hát xướng, việc triều chính không màng. Hắn giết hại Thái Hậu, còn muốn đổi họ lại thành họ Dương. Việc này đã sớm làm các tôn thất và triều thần bất bình. Họ bày mưu tính kế giết Nhật Lễ, nhưng mưu chước vụng về nên thất bại.
Trong số những tôn thất bị Nhật Lễ giết hại, có chồng của Huy Ninh là tôn thất Nhân Vinh.
Bấy giờ, Trần Phủ hay tin, sợ vạ lây nên đành lánh mình ở trấn Đà Giang. Ngài không có ý muốn làm vua, nhưng nhiều lần nghe các em thuyết phục, cuối cùng cũng hạ quyết tâm lật đổ Nhật Lễ, giành lại thiên hạ của tổ tông mình. May thay, một trận cung biến mưa tanh gió máu đi qua, giang sơn họ Trần vẫn còn đó. Trần Phủ lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu. Vua xưng là Nghĩa Hoàng. Mọi công việc đều chiếu theo lệ cũ mà làm.
Chuyện này đến nay đã nửa năm trôi qua. Trời đang vào tiết Lập Hạ, lại sắp đến một mùa thu hoạch mới nên ở điền trang có nhiều sự vụ cần giải quyết. Huy Ninh đã xem sổ sách cả ngày nay nên hiện giờ cảm thấy rất mệt, nàng ăn qua loa cho xong bữa, phân phó người mang sang cho công chúa nhỏ (2) ít điểm tâm rồi trở lại thư phòng. Tuy mệt nhưng nàng cảm thấy thật may vì mình bận rộn, bởi như vậy nàng sẽ không có thời gian để nhớ chàng nữa, sẽ không có thời gian mà đau buồn nữa. Nghĩ vậy, Huy Ninh day day thái dương rồi lại tiếp tục công việc.
Tiểu Thúy thấy đã khuya mà chủ nhân nhà mình không có dấu hiệu muốn nghỉ ngơi, liền cảm thấy rất lo lắng. Từ ngày Phò mã mất, nàng thấy Công chúa tiều tụy đi nhiều, người càng ngày càng ít nói. Ai cũng biết công chúa là người hoạt bát nhanh nhẹn, nàng luôn vui vẻ, rất ít khi để lộ ra vẻ trầm tư, hiện tại nàng như thế này thật khiến người khác không khỏi đau lòng.
“Công chúa, đã canh ba rồi, người hãy mau đi nghỉ đi thôi.” Cuối cùng, Tiểu Thúy không nhịn được mà lên tiếng, nàng rất muốn chủ nhận hãy quan tâm một chút đến sức khỏe, người không thể vì quá lao lực mà ốm được.
Huy Ninh dừng bút, nhẹ thở dài một tiếng.
“Đã canh ba rồi ư? Ta thật là không biết đã trễ như vậy. Tiểu Thúy này, trong phủ có Vải thiều Lục Ngạn mới được Quangia ban thưởng. Ta nghe nói dạo gần đây tỷ tỷ bị mất ngủ. Mai em hãy sai người làm chè vải hạt sen, đem sang phủ Trưởng Công chúa (3), bảo với Công chúa rằng chè vải hạt sen thanh mát giải nhiệt, có tác dụng an thần, sẽ giúp tỷ ấy ngủ ngon hơn.”
Nói xong, Huy Ninh cũng tự ý thức được là mình cần phải nghỉ ngơi, nàng không giữ Tiểu Thúy lại nữa, bảo em ấy hãy mau về phòng. Đột nhiên nhìn Tiểu Thúy rời đi, nàng như nhớ ra, Tiểu Thúy sắp tới tuổi được xuất cung, nàng phải sắp xếp cho em ấy một mối hôn sự tốt, không thể để Tiểu Thúy chịu ủy khuất được, dù gì em ấy theo hầu nàng đã lâu, nàng sớm xem như tỷ muội trong nhà mà đối đãi. Nay vì chuyện phu quân mất, một thân nàng phải tự giải quyết hết thảy chuyện trong nhà, nàng bận đến nỗi xém quên mất chuyện này. Nghĩ đến đây, nàng lại buồn không ngủ được. Nàng lo chị nàng mất ngủ, nhưng chính nàng cũng là người đang mất ngủ. Cung biến qua đi, nàng trở thành góa phụ, nàng mất chồng, còn chị nàng mất con. Nỗi đau này có ai thấu, nào biết giãi bày cùng ai. Nàng vẫn chưa hình dung được nàng sẽ sống tiếp như thế nào, nàng chẳng biết phải làm gì nữa. Có lẽ nàng sẽ nuôi nữ nhi khôn lớn, tìm một mối tốt gả đi, rồi nàng sẽ rời khỏi Kinh thành. Đúng vậy, nàng muốn rời khỏi Kinh thành, tìm một nơi thanh tịnh vắng vẻ, trồng hoa nuôi chim cảnh, sáng thưởng trà, chiều ngâm thơ. Mặc dù cô tịch nhưng làm bạn với núi non cây cỏ cũng là một loại hưởng thụ. Nàng biết phận mình công chúa, ở Hoàng cung này sẽ không thể tránh khỏi nghĩa vụ của một công chúa, rời khỏi nơi này chính là điều nàng vẫn luôn mong muốn. Hi vọng ông trời có thể giúp nàng được tới lúc đó. Nàng không mong mình sẽ bị cuốn vào một vòng tranh đấu nào nơi cung đình nữa, một trận cung biến như vậy là quá đủ rồi.
Chìm trong dòng suy nghĩ miên man, nàng thiếp đi từ lúc nào không hay.
***
Từ cổ chí kim xưa nay cổ nhân đều thán rằng, phàm ở đời nào có mấy chuyện được toại nguyện. Tính tới tính lui chẳng thể ngờ được chuyện trời đã định. Mấy nay trời không đổi sắc, một màu chói chang làm lòng người bức bối. Cứ cho là đến mùa đơm hoa kết trái, vạn vật sinh sôi nảy nở tạo nên cảnh sắc tươi đẹp, nhưng nếu không có tâm trạng thì làm sao có thể thoải mái mà ngưỡng mộ phong cảnh thiên nhiên. Đến đây, lại phải nói đến chuyện, Huy Ninh có dự cảm chẳng lành và nàng biết mình đã đúng khi thánh chỉ được Phúc công công truyền đến, Quan gia ban hôn cho nàng với một viên quan tên Quý Ly, người này có quan hệ ngoại thích với Quan gia, nghe nói dạo gần đây hắn rất được Quan gia xem trọng. Nàng có gặp qua vài lần nhưng không ấn tượng, chỉ là lướt qua, nào nghĩ được giờ đây lại có với nhau một tầng quan hệ như thế này.
Huy Ninh không hiểu Hoàng huynh nàng nghĩ gì khi quyết định biên một đạo thánh chỉ ban hôn cho nàng. Nàng nghe được lời người trong cung bàn tán, rằng tháng trước Quan gia cùng các quan viên du ngoạn thưởng cảnh có dừng lại điệnThanh Thử để nghỉ mát, trong lúc rảnh rỗi có đề ra một câu đối, mọi người còn đang suy nghĩ thì viên quan tên Quý Ly đã đối lại rất hay làm Quan gia ngỡ ngàng, nguyên văn hai câu đối như sau:
Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế - Quảng Hàn cung lý nhất chi mai.
Nghĩa là:
Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế - Quảng Hàn cung nọ một cành mai.
Thật trùng hợp là tên tự của Huy Ninh là Chi Mai, cung nàng ở tên là Quảng Hàn. Quan gia cho đây là thiên ý nên quyết định gả nàng cho Quý Ly. Loại chuyện này nghe cũng thật là hấp dẫn. Thực hư mấy phần không ai dám chắc chắn, chỉ cómột điều chắc chắc là Huy Ninh sẽ gả cho Quý Ly. Quan gia đã định ngày lành tháng sau sẽ tổ chức hôn lễ.
“Công chúa, đồ cưới đã được đưa đến, mời người xem qua.” Giọng Tiểu Thúy cắt ngang mạch suy nghĩ của nàng. Nàng đứng dậy, lướt qua một vòng những vải vóc, xiêm y và trang sức được mang tới, vẻ mặt vẫn trầm mặc.
Huy Ninh vẫn khó có thể chấp nhận được chuyện này. Nàng còn đang để tang chồng, chưa mãn tang, nàng cải giá, chuyện này thực không phải đạo. Nhưng so với Tổ mẫu xưa kia đương lúc còn mang thai bị bức phải lấy Tổ phụ, trong khi phu quân là Tổ bá phụ vẫn còn đó (4), về phần nàng nhưng thế này há chăng vẫn còn được xem là may mắn hay sao? Nếu đã là thiên ý, vậy thì nàng đành phải thuận theo thiên ý mà hành sự vậy. Phàm càng là những loại chuyện như thế này, càng cất công lo lắng càng vô ích. Phủ hắn vẫn chưa có chính thê, nàng hi vọng mình gả qua đó sẽ không quá khó sống.
Nàng không hi vọng hắn có thể thương nữ nhi, chỉ mong đừng gây khó dễ cho hai mẹ con nàng.
Tân Hợi, [Thiệu Khánh] năm thứ 2 [1371]
Tháng 5, Vua Nghệ Tông lấy người họ ngoại là Lê Quý Ly làm Khu mật viện đại sứ (5), lại đem em gái mới góa chồng là công chúa Huy Ninh gả cho hắn.
Chú thích của tác giả:
(1) Canh Tuất, [Thiên ứng chính bình] năm thứ 19 [1250] Thái Tông Hoàng đế xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là Quan gia. “Quan gia” là tiếng để gọi vua đời Trần, ở đây ý chỉ Vua Nghệ Tông.
(2) Thời nhà Trần hầu hết các con gái của tước Vương hay Công chúa con Vua đều được phong làm Công chúa. Ở đây ýchỉ công chúa Hoàng Trung – con gái của công chúa Huy Ninh và cố tôn thất Nhân Vinh.
(3) Trưởng công chúa – Thiên Ninh công chúa – chị gái của công chúa Huy Ninh, cùng với Cung Tuyên vương Kính và Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán là những công thần giúp vua Nghệ Tông dấy binh thảo phạt Hôn Đức Công Dương Nhật Lễ, trung hưng nhà Trần, nên được Nghệ Tông phong làm Lạng Quốc thái trưởng công chúa, đổi tên là Quốc Hinh.
(4) Ở đây ý muốn nói đến việc xưa, khi Chiêu Thánh Hoàng hậu với Thái Tông hoàng đế lấy nhau đã lâu mà chưa có con thừa tự, Thái sư Trần Thủ Độ bức Vua giáng Chiêu Thánh làm công chúa, lập công chúa Thuận Thiên – vợ của Hoài vương Liễu, anh Vua, làm Hoàng hậu Thuận Thiên. Lúc này Thuận Thiên đang mang thai con của Liễu được ba tháng. Tổ mẫu ý chỉ Thuận Thiên công chúa, tổ phụ là Vua Thái Tông – Trần Cảnh, tổ bá phụ là Hoài vương Trần Liễu.
(5) Thời Dụ Tông Hoàng đế, Nhâm Ngọ, Thiệu Phong năm thứ 2 [1342], Theo quy chế cũ, cấm quân thuộc về Thượng thư sảnh. Đến đây, đặt Khu mật viện để quản lãnh. Nguyễn Trung Ngạn – Hành khiển tri Khu mật viện sự - chọn đinh tráng các lộ bổ sung các ngạch thiếu của cấm quân, định thành sổ sách. Khu mật viện quản lãnh cấm quân bắt đầu từ Trung Ngạn.
Mai Phong
Comments