top of page
Home: Welcome
Home: Blog2

Thử thách 30 ngày xem phim mùa dịch

  • Writer: Mai Phong
    Mai Phong
  • Apr 11, 2020
  • 48 min read

Updated: Jun 2, 2021

Lâu lắm rồi mình không update kho phim ảnh. Cách đây khoảng hai ba hôm mình có coi hai bộ phim là The Platform (2019) và Searching (2018), mình nhận ra là ngành công nghiệp điện ảnh đã tiến bộ xa đến cỡ nào rồi mà nếu mình không cập nhật kịp, chắc mình sẽ trở thành người tối cổ mất. Vì vậy, tháng 4 này, mình quyết định thực hiện thử thách 30 ngày xem phim mùa dịch, đằng nào cũng đang có thời gian, phải upgrade bản thân chứ không thôi bản thân lại ngày càng ù lì vì "lười".


Danh sách phim được đề cử bởi Peanut

 

Day 1: 1917



Đây là một bộ phim về đề tài chiến tranh nhưng nó không chiếu nhiều đến những cảnh máu me, chiến trường, bom đạn, đánh nhau. Nó tập trung nhiều hơn về cảnh phía sau một cuộc chiến. Điều làm phim trở nên ấn tượng đó là những cú máy long-take cực dài, nó làm người xem cảm giác như bộ phim không hề có một đoạn cắt nào và khiến cho những cảm xúc được liền mạch. Phim rất tội, nhưng cũng dễ thương, bởi những tình cảm tốt đẹp mà con người ta dành cho nhau. Hai anh bạn trong phim, cũng chính là hai nhân vật chính, tình bạn của họ siêu cưng luôn. Họ kể chuyện phiếm, cười đùa, cứu nhau, kề vai sát cánh. Đúng là trong thời nào cũng vậy, con người đều giống nhau cả, đều thích ăn ngon, được vui vẻ, mong có bạn bè và không muốn chết.

 

Day 2: Phi vụ bá đạo ( Hàn )



OMG! Mình không biết sao chớ đây là phim hài chớ phim kịch tính gì. Mình xem và ngồi cười, đến cả cảnh buồn mà mình vẫn cười được á! Mấy anh chị này diễn đạt quá, nhân vật nào cũng ấn tượng. Khuyến cáo là không nên coi phim vào buổi tối vì cảnh rán gà sẽ làm mình bị đói và mấy đoạn hài thì mình cười, mà buổi đêm cười như một con điên thì nó hơi kì, ma mà thấy mình cười chắc nó cũng muốn né ra xa mình luôn. Mình thích cái đoạn đánh nhau cuối phim nhất, vì ngầu. Đấy là đoạn ra dáng phim cảnh sát nhất rồi đó, chớ mấy đoạn kia thì cứ như là đám cà ngơ ất ơ chuyên phá hoại xóm làng, hỏng hiểu sao lại được làm cảnh sát luôn. Bởi vậy, phim coi giải trí là chủ yếu, chứ không có nhiều tình tiết điều tra phá án kịch tính gây hồi hộp đâu. Mọi người sẽ cười "rụng rốn" vì độ dễ thương của mấy anh chị này. Trust me :"))

 

Day 3: Cuộc đời Forrest Gump



Xem xong phim này mình muốn mua sách về đọc nữa. Mà Peanut bảo không phải có mỗi mình như vậy đâu, cuốn sách mà bộ phim này dựa vào để chuyển thể chỉ nổi tiếng sau khi phim này được công chiếu thôi, thế nên có nhiều người như mình lắm. Câu chuyện về cuộc đời của Forrest Gump mang nhiều yếu tố "comedy" hơn là "drama". Có nghĩa là nếu có 1 chút gì đó là "drama" mà khán giả chưa kịp nhận ra thì hàng loạt "comedy" sẽ xuất hiện làm mình quên mất đây là một đoạn rất "drama". Xoay quanh của đời của Forrest có các nhân vật:

  • Mẹ của Forrest: Bà ấy là một người phụ nữ mạnh mẽ. Bà ấy đã dạy cho Forrest rất nhiều thứ mà nhờ đó Forrest lớn lên với những đức tin đúng đắn. Forrest tuy được gọi là khờ, nhưng bà luôn dặn Forrest "Chúa tạo ra con người, tất cả đều giống nhau, con không có gì khác biết, hãy nhớ lấy Forrest".

  • Jenny - Người Forrest yêu, đầu tiên và duy nhất: Ban đầu Jenny không yêu Forrest, Jenny chỉ coi Forrest như một người bạn cần được giúp đỡ, nhưng không hiểu sao toàn là Forrest bảo vệ cho Jenny. Sau tất cả, Jenny chấp nhận tình cảm của Forrest và sinh cho anh một bé trai. Tuy nhiên, mình không thể hiểu nổi các logic của chị này và mình cũng từ chối hiểu luôn. Đoạn tình cảm này khá phức tạp. Mình và Peanut đã có một buổi thảo luận sôi nổi về đoạn này, về tình yêu và các triết lý đến tận 2 giờ sáng. Đây có thể gọi là một chủ đề không bao giờ có thể nói cho hết.

  • Bạn đồng hành Bubba: Anh này lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống gắn liền với tôm - Một con người yêu tôm đích thực. Bubba có thể nói về tôm cả ngày, nói không ngừng nghỉ về tôm. Mong ước của anh là trở thành thuyền trưởng tàu đánh bắt tôm nhưng cuối cùng anh không thực hiện được, Forrest đã giúp anh hoàn thành tâm nguyện đó.

  • Trung úy Dan Taylor: Đây là một nhân vật cực ấn tượng đối với mình. Từ nhỏ anh luôn nghĩ rằng mình là một người dũng cảm và gan dạ, anh luôn mang trong mình niềm tự hào của gia đình là được anh dũng hi sinh trên chiến trận. Đáng lẽ anh đã có thể chết với một niềm tự hào như vậy. Nhưng số phận đã không thành toàn tâm nguyện cho anh, hay đúng ra là Forrest đã không làm thế. Anh trở về sau trận chiến và mất đi đôi chân. Anh căm thù số phận và Forrest, anh lao vào rượu chè, anh mất đi đức tin và cảm giác đây không còn là mình nữa. Mọi thứ tưởng chừng rất tăm tối, nhưng rồi anh cũng gắng gượng sống để cuối cùng nhận ra được rằng, cảm ơn Forrest vì đã cho anh cơ hội này, anh biết ơn vì điều đó. Anh sống và cảm thấy chẳng có gì là quá tệ cả, rồi mọi chuyện sẽ qua, miễn là chúng ta chấp nhận và coi đó là thử thách để giúp bản thân mình tốt hơn. Thế mới là sống. Đó mới là cuộc đời.


Trích đoạn mình thích:


"... Tôi chạy chẳng vì một lý do cụ thể nào... Sau đó, nhiều người nữa cùng tham gia. Về sau, có người nói với tôi, điều đó cho người ta hi vọng.

... Giờ tôi không biết gì về chuyện đó cả, nhưng..."Con phải bỏ quá khứ lại sau lưng trước khi con có thể đi tiếp". Và tôi nghĩ rằng tôi chạy là vì lẽ đó."


"... Cái chết là một phần của cuộc sống... Anh không biết là chúng ta ai cũng có số mệnh hay tất cả đều chỉ lướt qua nhau tình cờ trong một cơn gió nhẹ. Nhưng anh nghĩ có lẽ là cả hai. Có lẽ là cả hai xảy ra cùng một lúc."

 

Day 4: Một mình trên đảo hoang



Đây là một bộ phim có tiết tấu chậm, kể về Chuck Noland - một nhân viên của FedEx không may bị nạn. Máy bay của anh phát nổ trên đường vận chuyển quà cho mùa Giáng sinh sắp tới và anh là người duy nhất may mắn sống sót khi trôi dạt đến một hòn đảo hoang ở Nam Thái Bình Dương. Phim này không hẳn là hấp dẫn đối với mình, nhưng nó lại cho mình nhiều cảm nghĩ lắm. Mình nghĩ nhiều về tình yêu và liệu tình yêu có hẳn là tất cả để người ta sống vì nó? Cũng có thể lắm chứ, theo mình là vậy. Mình đã thử tưởng tượng nếu như bản thân bị rơi vào hoàn cảnh đó, mình sẽ hành động như thế nào? Chắc hẳn là mình cũng sẽ cố gắng mà sống thôi, vì mình muốn được gặp lại mọi người, những người mình thương và những người thương mình. Người ta không thể sống với sự cô đơn mãi được. Người ta không thể sống mà không có tình yêu. Tình yêu không phải thứ gì đó gọi là chiếm hữu, nó nằm ở sự trân trọng nhiều hơn. Đó là điều làm mình mãn nguyện với kết thúc phim. Mình thực sự hài lòng về bộ phim này.

 

Day 5: Hồi ức kẻ sát nhân



Hôm trước bị trúng gió nên đau đầu không xem phim, thử thách bị dồn ứ lại. Mình chưa coi xong "Một mình trên đảo hoang" vì mạng lác quá, thành ra lại xem phim này trước. Phim này dựa trên một vụ án mạng có thật ở Hàn Quốc. Ngay tại thời diểm làm phim vẫn chưa bắt được hung thủ nên cái kết trong phim vẫn còn bỏ dở. Theo một số bài báo mình xem được trên mạng, năm 2019 đã tìm thấy được hung thủ thật sự rồi nhưng vì hết thời hạn truy tố nên không thể làm gì được. Nói thật, bản thân mình không thích xem những phim kiểu này, đồng ý là phim khắc họa nhân vật tốt và kịch bản hay, hung thủ phải trí tuệ lắm mới có thể đấu trí được với phe công lý, nhưng thể loại phim nhân vật có nhân cách vặn vẹo và những vụ án mạng ghê rợn làm mình bị sợ. Mình nghĩ mình biết là được, mình từ chối biết thêm.

 

Day 6: Cuộc đời bí ẩn của Walter Mitty



Mình đã nghĩ là mình không xem được bộ phim này vì hầu hết các link xem phim đều die và cái link có vẻ ổn thì trang phim đó lại bị lác. Nhưng không sao, sau một hồi tiếp tục tìm kiếm, mình đã tìm ra được một cái link phim này có vietsub và không bị giật. Ơn trời, cũng coi được rồi! Dạo này bị lười còn challenge thì chất đống, cảm giác không vui gì hết cả. Nhưng mình chưa kịp bảo là sẽ chấn chỉnh bản thân thì gặp được bộ phim này cùng câu quote mang một thông điệp rất mạnh mẽ "Stop dreaming, start living."


Mình nghĩ gì khi nghe thấy câu đó ư? Tất nhiên là như kiểu có một cái tát, tát thẳng vào mặt bạn và làm bạn tỉnh ra trong lúc bạn đang còn chần chừ chưa chịu thoát khỏi cái vỏ ù lì của bản thân đó. Walter Mitty lúc nào cũng "nằm mơ giữa ban ngày", là thật, theo nghĩa đen. Đúng nghĩa anh này chỉ mơ nhưng chưa bao giờ dám thực hiện, nhưng anh ấy đâu thể chỉ mơ mãi được. Đó không phải là cách mà con người ta sống một cuộc sống. Phải hành động thiệt sự. Và khi anh này "bị tát" [như cách mình vừa bị tát và mình mô tả ở trên], không phải nói quá đâu nhưng, anh ấy không còn mơ mộng nữa, anh ấy đã làm và thực sự rất ngầu. Những kiểu tưởng chừng như chỉ có ở trong sự mơ mộng của anh ấy đã thành hiện thực. Phục thật cái cách mà người ta diễn tả đoạn đó, mình cứ tưởng nó chỉ là mơ thôi, nhưng không có cảnh quay lại như lúc đầu. Có nghĩa là Walter Mitty đã thực sự sống rồi đấy, anh ấy hết làm trò cười cho mọi người rồi.


Chắc có lẽ mình cũng nên bắt tay vào mà sống cho những ước mơ. Một điều hiển nhiên là ý nghĩ có sức mạnh mạnh mẽ nhất nhưng nếu không có sự lặp lại và hành động thì chúng ta chẳng thể đem một cái gì đến được thực tại cả. Chúng ta sẽ chẳng thể nào biết mình có thể đi xa được đến đâu chừng nào chưa bắt đầu. Định mệnh lúc nào cũng sẽ trêu đùa một chút, cho chúng ta vài bài toán mẹo, vài dấu hiệu, vài gợi ý, để làm cho cuộc vui thêm bất ngờ và thú vị. Mình chẳng sợ. Chẳng phải mình tự nhận mình là nhà thám hiểm của cuộc phiêu lưu này còn gì. Vậy nên mộng mơ không hẳn là sai trái, nhưng chỉ mộng mơ mà không làm gì nữa cả thì đó mới là sai trái thực sự. Giống như có 1 bài toán, chúng ta biết cách giải nhưng không trình bày. Vậy thì thầy cô phải cho điểm như thế nào mới đúng đây? Rớt môn "is real" đấy. Đừng đùa. Giải đi. Biết đâu giải tốt, thầy cô lại chẳng đem đi thi quốc gia, khu vực luôn thì tha hồ mà hãnh diện.


Có một câu trích dẫn khá hay từ bộ phim:


" To see the world, things dangerous to come to,

to see behind walls, to draw closer,

to find each other and to feel.

That is the purpose of LIFE."

 

Day 7: Chôn sống (2010)



Một bộ phim độc đáo và ấn tượng với 1 diễn viên diễn và 1 cảnh quay duy nhất - trong chiếc quan tài. Ban đầu mình không kiếm được link phim để coi nên đành phải coi không phụ đề. Trình độ tiếng Anh kém cỏi đã làm mình hiểu nhầm nhân vật và bộ phim. Nhưng may quá, Peanut đã ra tay trợ giúp bằng 1 cái link và cuối cùng thì mình cũng đã có thể coi bộ phim này một cách đàng hoàng.


Bộ phim kể về một anh tài xế xe tải của công ty CRT bị bắt cóc và chôn sống. Anh tỉnh dậy và hoảng sợ khi biết mình đang nằm trong 1 chiếc quan tài. Một tiếng rưỡi của bộ phim sẽ diễn tả những giây phút cuối cùng của cuộc đời anh, những cuộc gọi điện kêu cứu trong vô vọng, những lời đe dọa từ bọn bắt cóc, những lời hứa cho anh tia hi vọng. Sự nỗ lực tìm kiếm của anh không đổi lại được một kết cục khác, nhưng ít nhất anh cũng đã biết được vì sao mình chết. Với cái khoảng thời gian ít ỏi đó, anh biết được nhiều hơn những gì mà anh nghĩ là anh biết nhưng anh chẳng hề hay biết gì cả. Anh biết được cái sự ích kỷ và trơ tráo của cái công ty mà anh đang làm việc vì nó. Anh biết được anh đang bị cuốn vào một cuộc tranh đấu và để thoát khỏi hoàn cảnh này, anh cần tiền. Nhưng ai sẽ chịu chi một khoản tiền lớn như vậy chỉ để đổi lấy cái mạng quèn của anh chứ? Anh biết được nhiều người cũng đã, đang và sẽ bị bắt như anh. Không ai có kết cục nào khác ngoài cái chết. Chuyện đó xảy ra với Pamela Lutti - cô bạn đồng nghiệp, và Mark White - một bác sĩ trẻ tình nguyện nào đó cũng đến đây như anh. Nhưng có thể họ may mắn hơn anh một chút. Ít ra Pamela kết thúc chỉ với một phát súng, còn anh phải nằm đây, chờ đợi cái chết, ngắm nhìn sự hi vọng và tuyệt vọng, nỗi lo âu đang gặm nhấm từng mạch cảm xúc của anh. Và hẳn là Mark White may mắn hơn vì dù sao cậu ta cũng được tìm thấy xác. Còn gì đau đớn hơn một sự tra tấn về tinh thần và còn gì có thể bất hạnh hơn việc chết ở một xó xỉnh nào đó mà không ai có thể tìm thấy xác?

 

Day 8: Người về từ Sao Hoả



Cuộc trở về đầy ngoạn mục của Mark Watney - một phi hành gia vô tình bị tách ra khỏi đoàn vì một cơn bão ập đến bất ngờ. Anh bị mắc kẹt ở Sao Hỏa và câu hỏi đặt ra là liệu anh có thể sống sót để quay về? Nếu như ở "Một mình trên đảo hoang (day 4)", Chuck Noland gắng gượng sống sót vì tình yêu của anh dành cho Kelly thì ở "Người về từ Sao Hỏa" động lực để Mark Watney gắng gượng sống là gì? Phải chăng là nỗ lực vượt lên trên số phận. Giả sử cuộc đời là những bài toán, thì có lẽ Mark là một học sinh giải toán không tồi. Mình thực sự hâm mộ cái tinh thần lạc quan của Mark. Lạc quan ở đây không phải là niềm tin mù quáng rằng mình sẽ không chết. Anh biết rằng anh sẽ chết thật và anh chấp nhận chuyện đó. Nhưng anh không coi đó là thứ cản anh tiến lên phía trước, anh coi nó là thử thách để anh vượt lên chính mình. Đó mới là lạc quan chân chính.


Bạn nghĩ cuộc đời này có bao nhiêu bài toán cần phải giải? Vô số.


Có một câu ngạn ngữ như thế này "Điều gì không giết được bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn." Có vô số những thử thách trong cuộc đời này đòi hỏi bạn phải chinh phục được nó. Đó là cách bạn phải sống trong cuộc đời.


Bộ phim này cũng gợi nhớ cho mình về lời của Einstein khi bàn về cộng đồng và cá thể. "Chúng ta nhận ra rằng, về bản chất giống loài, chúng ta cũng giống như những động vật sống theo bầy. Chúng ta ăn thức ăn người khác trồng, mặc quần áo người khác may, sống trong nhà của người khác xây. Hầu hết những gì chúng ta hiểu biết và tin tưởng đều do người khác bày cho ta thông qua một ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng do những người khác tạo ra. Nếu không có ngôn ngữ, khả năng tư duy của chúng ta sẽ rất hạn chế - chỉ tương đương với những động vật cao cấp; vì thế chúng ta phải thừa nhận rằng, để chúng ta hơn được động vật, trước hết chúng ta mang ơn vì được sống trong cộng đồng loài người... Căn cước và ý nghĩa tồn tại của một cá thể nằm ở chỗ, anh ta không hẳn là một sinh thể đơn lẻ mà là thành viên của một cộng đồng lớn của con người, cộng đồng dẫn dắt đời sống vật chất và tinh thần của anh ta từ khi sinh ra cho tới chết (*)."


Thật vậy, Mark đã không thể sống sót và trở về nếu không có sự giúp đỡ và những lời động viên thăm hỏi từ các bạn đồng nghiệp và các nhân viên của Nasa ở mặt đất. Chính nhờ thế mà hành trình trở về của Mark càng thêm ý nghĩa hơn. Như lời của Einstein, hẳn Mark phải rất biết ơn vì được sống chung trong cộng đồng loài người. Nếu không nhờ họ, chắc anh đã bỏ mạng thực sự ở trên sao Hỏa rồi.


(*) Trích từ tiểu luận Cộng đồng và cá thể - Thế giới như tôi thấy- Albert Einstein

 

Day 9: Khách sạn đế vương (2014)



Đáng lẽ bộ phim của day 9 sẽ là Hoàng đé cuối cùng (phim Trung), nhưng Peanut đã đổi lại thành phim này - Khách sạn đế vương. Đây là một bộ phim có màu phim rất đẹp và lạ, cùng những góc phim quay rất xịn xò. Phim được diễn theo hướng hài hước, có thể là một dạng dùng để mỉa mai gì đấy, hoặc không có gì cả. Cách kể chuyện của phim cũng là một điểm cộng. Mở đầu phim là cảnh 1 người phụ nữ đang đọc 1 cuốn sách - cuốn sách Khách sạn đế vương của 1 tác giả nào đó và nó được viết theo dạng hồi kí. Tác giả có cơ hội được gặp Zero - người chủ hiện tại của The Grand Budapest Hotel trong một lần tìm cảm hứng cho việc viết lách và được Zero kể cho nghe, tại sao ông vẫn khăng khăng muốn giữ lại cái khách sạn giờ đã cũ mèm này. Câu chuyện bắt đầu từ Mr. Gustave - người chủ trước của khách sạn, người được kế thừa toàn bộ gia sản của 1 quý bà có tên là Mrs.D. Đó là một câu chuyện thú vị. Nó có thể được xem một ví dụ rất tốt về tinh thần lạc quan và tư duy sáng tạo trong mọi hoàn cảnh.

 

Day 10: Cuộc đời kì lạ của Benjamin Button (2008)



"Cháu có cảm giác, cháu không thể nhớ được nhiều chuyện."

"Như là chuyện gì, cháu yêu ?"

"Giống như... cháu đã có một cuộc đời và cháu không thể nhớ nó ra sao."

"Không sao cả, không sao cả nếu ta quên."


Mình thích đoạn đối thoại này trong phim. Chúng ta có thể quên chứ, nhưng không sao cả. Chuyện mình quên hay nhớ thì có ý nghĩa gì nhiều lắm đâu. Nếu có nhớ được, chẳng qua chỉ là sự việc, những cảm xúc - chúng ta đâu thể lưu giữ nó. Có phải hay không chúng ta chuyển nó thành từ ngữ với hi vọng mình có thể nhớ. Nhưng nó có thay đổi được gì đâu, chuyện chúng ta vẫn quên. Mình không thể nhớ được lần đầu tiên được cầm trên tay cây đàn guitar mà mình hằng mong ước, mình đã vui như thế nào, mình chỉ biết là mình đã rất vui. Chuyện đó cũng tương tự với những lần mình buồn. Mình cũng không thể nào nhớ được cái sự tuyệt vọng đến cùng cực khi có chuyện gì đó kinh khủng đột ngột xảy đến, những lần mình lạc đường, những lần mình làm hỏng mọi thứ, mình chẳng nhớ được gì trong những điều đó ngoài 1 câu chuyện. Câu chuyện đó có cốt truyện và những từ ngữ diễn tả cảm xúc.


Với cuộc đời của Benjamin, mình không thấy kì lạ. Benjamin, theo mình, cũng chỉ là một người như những người khác thôi. Kì lạ có nghĩa là không bình thường. Thế thì thế nào mới được xem như là một cuộc đời bình thường? Bình thường theo định nghĩa là tầm thường, bằng phẳng, không có gì đặc biệt. Nói thế thì chẳng phải ai trong chúng ta cũng đều có một cuộc đời kì lạ như nhau không phải sao, vì tất cả chúng ta đều đặc biệt, theo cách này hay cách khác. "Một số người được sinh ra để ngồi bên dòng sông, một số người bị sét đánh, một số có khiếu âm nhạc, số khác lại là nghệ sĩ, một số có thể bơi, một số biết làm khuy áo, một số khác biết kịch Shakespeare, một số là những bà mẹ, một số thì biết nhảy." Chúng ta đều đặc biệt theo những cách riêng, nhiều lúc, chỉ là chúng ta quên mất điều đó thôi.


Benjamin đơn giản là một con người cô đơn. Nhưng có ai mà không cô đơn. Vì chúng ta đều đặc biệt, thế nên chúng ta khác nhau.


Không ai không lúc nào là không hoàn hảo. Mình thích câu này. Hoàn hảo là biết được cái có và không có, biết cái được và cái mất, biết mình có thể tốt và có thể xấu, biết được cái gì nên làm và cái gì không nên. Mỗi thời điểm trong đời đều đáng quý, dù chúng ta có đang già nua hay tươi trẻ, điều đó chẳng khác biệt lắm nếu chúng ta còn dành cho đời những sự tò mò trong sáng. Cuộc đời này đáng sống lắm chứ, để đi tìm cái sự hoàn hảo đó, một mục đích không tồi.

 

Day 11: Blade Runner 2049



Nối tiếp phần 1 - Blade Runner (1983), phần 2 kể về cuộc tìm kiếm đứa trẻ - con của Rachael và Deckard. Không cần phải xem qua phần 1 để thấm được mạch phim nhưng nếu biết thì đỡ thắc mắc hơn, Peanut đã nói vậy và tóm tắt cho mình về nội dung phần 1. Nó còn kể thêm một funfact về Blade Runner là vào năm 1983, phim được công chiếu nhưng không nhận được sự đón nhận từ phía khán giả, vì thời đó, ít ai quan tâm đến cách làm phim kiểu Retro và cốt truyện khoa học siêu nhiên viễn tưởng. Sau này, đến khoảng năm 1995-1996, người ta xem lại và nhận ra được cái sự độc đáo của phim nên mới trao giải. Cái hay của Blade Runner là đi trước thời đại và tạo tiền đề cho các bộ phim hành động sau này. Những cảnh như là xe bay, cảnh đánh đấm trên mái và một nhân vật bị té xuống nhưng suýt té thôi và cứu được, rồi cảnh quay lưng bước đi đằng sau là vụ nổ... tất cả đều từ phim này mà ra.


Quay về với Blade Runner 2049, phim dẫn dắt rất hay khi cho mình những trải nghiệm y chang những gì mà nhân vật K (Ryan Gosling) đang trải nghiệm. Mình đã tưởng như anh ấy, đã tưởng rằng bản thân là đứa trẻ đặc biệt, là một đứa trẻ sinh ra với tình yêu, là nhân vật mà tất cả mọi người đang tìm kiếm - con của Rachael và Deckard. Nhưng với cú plot twist cuối, sự thực không phải là vậy. Nhưng đâu cần phải có một thân phận đặc biệt mới là một đứa trẻ đặc biệt, những gì mà K đã làm cũng đủ để chứng tỏ anh là một người đặc biệt rồi. Sự đặc biệt của anh đến từ lựa chọn trở thành con người mà anh muốn trở thành, anh không giết đứa bé, cũng không giết Deckard, anh không hành động theo sự sai khiến của ai cả, anh hành động theo lý tưởng của riêng mình.


Trong cái thế giới thật giả lẫn lộn đó, phải chăng chuyện nhận ra được sự thật cũng khó không kém việc nhận ra đâu là giả dối. Người ta đã từng nghĩ chuyện đó cũng đơn giản lắm, như cách mà nhà triết học Descartes vạch một đường phân thủy dứt khoát, rõ ràng giữa "vật chất" và "linh hồn". Có chăng mà dễ dàng như vậy?


"Những kí ức của anh, làm sao anh biết nó có phải là được cấy vào hay không?"

"Ai là người đã tạo ra kí ức?"

"Người tạo kí ức phải là một người giỏi tưởng tượng. Những kỉ niệm phải y như thật mới khiến họ cảm nhận và hành động như một con người."

"Để phân biệt được những kí ức thật với những gì được tạo nên, mọi người luôn chú ý vào chi tiết nhưng cảm xúc mới thật sự quan trọng."

 

Day 12: Sủng Ái - The Favourite (2018)



Đây là một bộ phim lấy bối cảnh nước Anh vào thế kỉ 18. Câu chuyện xoay quanh ba nhân vật: nữ hoàng Anh Anne, Công tước Sarah và em họ cô ta - Abigail. Ba con người, ba nét tính cách đã thực sự làm cho bộ phim trở nên cuốn hút hơn hẳn. Ở đây, chúng ta không nói về vấn đề ai tốt ai xấu, vì thực ra chẳng ai là tốt mà cũng chẳng ai là xấu cả. Họ của ngày hôm nay là bởi tất cả những sự lựa chọn mà họ đã chọn lựa trong quá khứ. Nhân vật nữ hoàng Anne được hiện lên như là một người phụ nữ yếu đuối, nhu nhược và mắc bệnh trầm cảm. Có quá nhiều biến cố đã xảy đến trong cuộc đời bà khiến bà chỉ muốn lẩn trốn và cần ai đó ở bên để bù đắp cho bà những yêu thương. Bà đã mất mát quá nhiều trong đời. Công tước Sarah và em họ cô ta Abigail đều là những nhân vật không đơn giản. Họ là những người bất chấp tất cả để đạt được tham vọng, nhưng ở họ là 2 cách hành xử trái ngược nhau. Sarah quá tự cao khi cho rằng mình có thể thay nữ hoàng định đoạt mọi chuyện. Ở Sarah, phần nam tính được thể hiện rất rõ khi bà thể hiện mình là người quyết đoán, khinh ghét những trò vô bổ như đua vịt và chỉ xem trọng những thú vui như bắn súng hay đua ngựa. Abigail có cùng mục đích quyền lực như Sarah nhưng cô ta hành sự mềm mỏng và thủ đoạn âm thầm hơn. Cô ta ẩn nhẫn, không phô bày như Sarah. Vì vậy mà cô đã đánh lừa được nữ hoàng cho đến cuối cùng. Nhưng ở chốn thâm cung, nào có ai mà không có tố chất phi thường. Đoạn kết thúc phim như một lời khẳng định cho điều đó. Hành động bắt Abigail phải quỳ gối, cúi rạp người trước mình của Anne đã cho thấy rằng, bà mới là người quyền lực nhất và vị trí của bà là cao nhất, danh giá nhất. Tất cả những người, dù cho có được sủng ái thì cũng chỉ là phận tôi tớ, đâu có quyền gì mà leo lên đầu chủ nhân.


Bộ phim thể hiện theo phong cách black comedy. Những khía cạnh như chiến tranh hay vận mệnh đất nước, con người được bàn bạc một cách dửng dưng có thêm cả phần diễu cợt. Đâu đó thể hiện sự xa hoa, tù túng của con người chốn quyền lực qua những bức tường, những ánh nến lập lòe trong đêm. Sự cô đơn cũng được nổi bật trên nền nhạc, những cảnh phim quay chậm. Tất cả tạo nên một bức chân dung xã hội hoàn hảo của nước Anh thế kỉ 18.

 

Day 13: 1987 - Ngày định mệnh ( Hàn )



Tháng 5 năm 1987 là cột mốc thời gian quan trọng, đánh dấu sự kiện nổi dậy chống lại chế độ độc tài của người dân Hàn Quốc. Bộ phim khai thác các góc nhìn đa chiều từ chính những nhân vật là những người dân trong câu chuyện đó: công tố viên Choi - bác sĩ Oh - kí giả Yoon Sang Sam; quản giáo Han - quản lí nhà giam Ahn; chàng sinh viên yêu nước Lee Han Yeol và cô cháu gái quản giáo Yeon Hee. Những nhân vật với những tính cách và địa vị khác nhau, nhưng họ đều cùng chung một mục tiêu hướng tới sự thật và mong muốn được đem sự thật đến với ánh sáng công lý. Bộ phim kết thúc bằng một phân cảnh rất cảm động - phân cảnh những người dân Hàn Quốc cùng nhau hô vang khẩu hiệu xóa bỏ chế độ độc tài, ở phía xa xa là ánh mặt trời chiếu rọi và lá cờ của đất nước Hàn Quốc tung bay.


Mình nhận ra rằng hễ cứ có chiến tranh, dù nội chiến hay ngoại chiến, hậu quả của nó đều là những khoảng lặng đau thương đối với những người may mắn còn sống sót. Đó là lý do mình ít khi coi phim về đề tài chiến tranh, bởi vì mỗi lần coi phim mình lại cảm thấy hơi buồn.

 

Day 14: Mạng xã hội - The Social Network (2010)



Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook - bị kiện vì một vụ tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu Facebook. Theo diễn biến của vụ kiện đó, những thông tin về quá trình hình thành nên Facebook được tiết lộ. Với những người có đầu óc kinh doanh, hẳn họ sẽ rút ra cho mình được những kinh nghiệm khởi nghiệp rất khá từ bộ phim này. Nào là:

  • Bạn không biết rằng những hành động "điên rồ" sẽ dẫn bạn đi bao xa: Trước Facebook, Mark đã thành lập một trang web để đánh giá độ hot của các nữ sinh. Ý tưởng này xuất phát từ cơn giận sau cuộc hẹn hò của Mark với một cô gái và cô này chê Mark thậm tệ. Anh quyết định xả giận bằng cách thể hiện tài năng của mình và, một cách vô tình hay hữu ý nào đó, cơn giận dữ của anh đã phá sập mạng nội bộ của trường Harvard. Nhờ sự cố này, tên tuổi của Mark bắt đầu được mọi người biết đến và vì vậy mới có cuộc gặp mặt giữa Mark và anh em nhà Winklevoss - người sau này sẽ đem đến cho Mark một ý tưởng để phát triển The Facebook.

  • Hãy phát triển từ điểm lợi thế của mình: Mark không cần tự nghĩ ra một ý tưởng gì đó mới, anh nâng cấp một ý tưởng đã có sẵn của anh em nhà Winklevoss, nhưng đó không được xem là ăn cắp vì anh em nhà này vẫn chưa có sản phẩm hữu hình để chứng minh - không có một đoạn code nào của The Facebook được lấy từ Harvard Connection. Điểm bất lợi của anh em nhà Winklevoss đó là, không có tài nguyên để phát triển ý tưởng - họ không có lợi thế từ công nghệ, mà công nghệ là điểm mấu chốt cho ý tưởng này được phát triển, và họ đã chọn nhầm đối tượng để hợp tác - điều mà mình sẽ nói ở mục tiếp theo. Đáng lẽ họ nên xuất phát từ một điểm gì đó mà ít nhất một trong cả hai anh em đều giỏi, ví dụ như một ý tưởng nào đó về chèo thuyền chẳng hạn.

  • Bạn đồng hành là một trong những điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp: anh em nhà Winklevoss đã chọn nhầm Mark để làm đối tác - một người tham vọng nhiều hơn họ nghĩ. Mark chọn nhầm Eduardo để làm đối tác - một người muốn kinh doanh Facebook bằng quảng cáo với những tầm nhìn hạn hẹp. Người ta hay bảo, "Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với Ma mặc áo giấy" bởi vậy cuối cùng Mark đã chọn Sean - người đã từng thành công với trang chia sẻ trực tuyến Napster. Mặc dù Mark không đồng tình với việc Sean là một kẻ chơi bời quá độ, nhưng tầm nhìn của Sean là điều mà Mark cần ngay lúc này. Nhờ Sean, Mark đã có cơ hội được hợp tác với nhà đầu tư lớn của thung lũng Silicon và đưa The Facebook phổ biến toàn cầu. Sau cùng thì The Facebook đổi tên thành Facebook và giữ nguyên tên đó đến hiện nay.

Vì xem phim nên mình chú ý nhiều đến nghệ thuật của nó hơn là những bài học khởi nghiệp đó. Thế nên, điểm làm mình ấn tượng với bộ phim nhất đó chính là ở tình bạn của Mark và Eduardo. Mark và Eduardo là bạn thân vì thế mà Mark muốn hợp tác với Eduardo để phát triển The Facebook. Nhưng cuối cùng vì khác nhau ở định hướng, Mark đành phải bỏ lại Eduardo và chọn Sean để cùng hợp tác mở rộng. Nếu Mark chọn tình bạn và tiếp tục kinh doanh cùng Eduardo thì chắc chắn The Facebook cũng sẽ không thể phát triển được lâu dài. Khi đó thì người xem sẽ quay ra phán xét tầm nhìn hạn hẹp của Eduardo đã phát nát một công ty. Nhưng khi Mark chọn công ty và loại Eduardo khỏi cuộc chơi, người xem lại quay sang trách móc Mark là một người không biết nhân nghĩa. Thực sự thì tình huống này cũng thật khó mà nói cho rõ ràng được. Tuy vậy, nói gì thì nói, có một điều không thể phủ nhận được đó là tình bạn lớn lao giữa Mark và Eduardo. Eduardo tự nguyện đầu tư cho Mark mười mấy nghìn đô mặc dù trong lòng vẫn rất hoài nghi. Mấy ai có thể hành động được như Eduardo. Thêm một hành động nữa là lúc ở trên tòa, hai người vẫn cố bảo vệ nhau và khai ra những thông tin ít bất lợi nhất có thể. Đâu đó vẫn còn một chút tình cảm gì đó giữa Mark và Eduardo nhưng nó sẽ không bao giờ quay trở lại được như xưa nữa. Mạng xã hội giúp kết nối nhiều người một cách nhanh chóng nhưng nó cũng có thể làm người ta xa rời nhau, như Mark và Eduardo, hay như Eduardo và bạn gái anh ấy. Với mạng xã hội, người ta càng ngày càng cảm thấy cô đơn nhiều hơn và sự ra đời của nó đã định hình lại tất cả những mối quan hệ thực sự xung quanh con người.

 

Day 15: Inception (2010)



Hôm nay là thứ hai, ngày 6 tháng 7, nghĩa là cũng đã hơn cả tháng rồi, mình quên hẳn luôn cái thử thách này. Mình bận quá. Mình phải loay hoay với đủ thứ trên đời. Mình chẳng thể chậm lại để nghĩ hay để dành thời gian mà thưởng thức cuộc sống. Mọi thứ cứ quay mãi, quay mãi khiến nhiều lúc mình chìm sâu vào nó rồi chẳng phân biệt được gì hết nữa.


Hôm nay mình lười thật, nên mình quyết định dành ra một ngày không thực sự làm gì cả, mình sẽ sống qua ngày hôm nay với tất cả những ý nghĩ chợt hiện lên trong đầu, một ý nghĩ đầu tiên cho mình biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Bởi vậy mà mình xem phim. Bộ phim tiếp theo trong thử thách có tên là Kẻ đánh cắp giấc mơ - Inception. Hay nhỉ, mình thích những ý nghĩ đầu tiên, những ý nghĩ đơn thuần nhất luôn cho mình những chỉ dẫn tuyệt vời. Mình thích bộ phim này cực kì và hôm nào đó, khi mình quên nó đi một ít, mình sẽ lại coi lại tiếp.


Mình thích bộ phim này vì mình thích kịch bản, lời thoại, cảm xúc của diễn viên, cả cảm xúc của mình nữa và trong phần cảm nghĩ, mình muốn viết về những giấc mơ. Thực ra, mình luôn tin những giấc mơ là có thật, nó là một phần của tiềm thức. Dù nó là những kí ức mà ta lãng quên hay cố gắng cất giữ, nó vẫn luôn hiện hữu ở đó và là một phần của chúng ta. Trong phim, người ta có thể du hành qua những giấc mơ, nhảy vào trong những tầng sâu của tiềm thức. Những thế giới trong mơ thực đến nỗi người ta khó có thể phân biệt được nếu không có một vật gì đó như totem chỉ dẫn cho họ. Ở trong một giấc mơ cứ như là đang chơi một trò chơi vậy. Mình sẽ bị "out" nếu mình chết, mất mạng là hết chơi. Hình ảnh ẩn dụ của đoạn mà ở trong nhiều tầng của những giấc mơ, hình ảnh đó mang cho mình nhiều cảm xúc quá, hệt như những gì mà Mal - vợ của Cobb, nhân vật chính của chúng ta đã trải qua. Bất chợt một giây một phút nào đó, mình cũng đã từng nghĩ, rằng liệu thế giới nào mới là một thế giới thực sự. Chúng ta thoát ra khỏi một thế giới trong mơ, nhưng lại tiếp tục mắc kẹt tại một thế giới trong mơ khác. Những thực tại chồng chéo lên nhau nhiều hơn tất thảy những gì mà ta có thể hiểu biết được. Nhìn đâu cũng là những ảo ảnh, vậy thì có phải nếu chúng ta thích và tin vào một ảo ảnh nào đó, nó sẽ trở thành sự thật của chúng ta?


Mình thích câu "nằm mơ xem kịch" khi hồi đó mình đọc cuốn Lưới trời ai dệt của bác Nguyễn Tường Bách, cũng như mình thích cái cách mà Đức Phật kết thúc kinh Kim Cang bằng 4 câu kệ:

“Nhất thiết hữu vi pháp,

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như lộ diệc như điện,

Ưng tác như thị quán.”

 

Day 16: Her (2013)



Tình yêu là gì nhỉ? Là người ta không biết bày tỏ cảm xúc hay người ta không thực sự yêu?


Đây là một câu chuyện về viễn cảnh tương lai, khi cuộc sống của chúng ta tân tiến hơn nhờ công nghệ. [Ôi! Xã hội có thể tiến hóa một cách vượt bậc mà nhiều lúc mình chẳng thể tưởng tượng nổi nữa] Theodore, một người đàn ông cô đơn và có lối sống nội tâm, làm nghề viết thư hộ cho những người gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc của bản thân. Cái nghề này lạ à nghen! Dám lắm mà có dịch vụ yêu hộ người ta cũng thuê luôn quá! [chỉ là một ý nghĩ thoáng qua] Cảm xúc của mình mà còn phải vay mượn thế này thì còn gì có thể không vay mượn được nữa trời! [lại là một câu cảm thán khác thôi].


Ở một viễn cảnh tương lai nơi tất cả vẫn còn là một dấu chấm hỏi to tướng với hiện tại, chuyện quái gì mà chẳng thể xảy ra. Cách người ta sống, cách người ta giao tiếp và cả cách người ta yêu nhau cũng vậy. Theodore, sau tất cả, đã phải lòng một hệ điều hành có giọng nữ và cô ấy tự đặt cho mình một cái tên là Samantha. Samantha không khác gì một người thật, trừ việc cô ấy không có một cơ thể vật lý. Theodore yêu Samantha lắm. Thật tốt khi ở cạnh ai đó và thấy phấn khích về thế giới, như kiểu anh quên mất rằng thứ đó từng tồn tại. Theodore đã từng cảm thấy cô đơn lắm, vì anh không hiểu sao người vợ mà anh từng yêu thương một ngày kia lại trở nên xa cách với mình như vậy. Theodore cứ nghĩ mình biết về tình yêu nhưng thực ra anh sợ nó nhiều hơn đến độ những điều anh biết đều không thật biết. Xuyên suốt bộ phim là một hành trình dài mà Theodore, người đàn ông chán nản lại một lần nữa hiểu được ý nghĩa của hai chữ tình yêu, rằng tình yêu là không phải để thỏa lấp nỗi cô đơn, không phải là kiểm soát, không kèm theo đó cả một mớ những thứ điều kiện mà con người gắn cho nó phải có.


"Em biết đấy, đôi lúc anh nghĩ anh đã trải qua hết mọi cảm xúc vốn có rồi. Và từ đó trở đi, anh chẳng cảm thấy gì mới."


"...Rồi em nghĩ về những thứ mà em cảm nhận từ trước đến giờ và em thấy tự hào về điều đó, anh biết đấy, tự hào khi có cảm xúc của riêng mình với thế giới, như những lúc em lo lắng về anh, những thứ làm em tổn thương, những thứ em muốn. Rồi em lại có suy nghĩ kinh khủng này, kiểu như, những cảm xúc này có thật không?"


"Quá khứ chỉ là một câu chuyện chúng ta tự kể với bản thân mình."


Màu phim đẹp, mình thích cái màu ấm áp của bộ phim. Nó cho mình một cảm giác như được bao phủ bởi một luồng ánh sáng ấm áp như mặt trời. Mai mốt, mình sẽ rủ người yêu xem bộ này, chắc hai đứa sẽ có nhiều chuyện để nói lắm.

 

Day 17: Moonrise kingdoom



Phim dễ thương lắm lắm luôn!! Mình coi mà có mấy đoạn cười xỉu với mấy đứa nhỏ luôn á. Bọn nhóc cũng quái lắm, nhưng dễ thương, đúng chất con nít. Phim này cùng chung bác đạo diễn - Wes Anderson - với phim Khách sạn đế vương mà mình coi hôm bữa trước. Vì thế mà nhìn màu phim với chất phim là mình nhận ra ngay, nó không lẫn vào đâu được. Mượn những góc phim tĩnh và rộng, bác đạo diễn làm cho người xem có cảm giác như đang ngồi coi kịch vậy, như đang coi diễn trên sân khấu dựng lên. Bởi kiểu làm thiệt mà như diễn, nên những vấn đề có vẻ "nghiêm trọng" được phim đưa ra trông nó buồn cười, nó hài hước chứ nó không có nghiêm trọng thiệt như bản chất nó đã từng nghiêm trọng. Người ta có thể nhìn từ góc nhìn đó mà suy nghĩ về vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn, từ đó dễ thấm hơn. Dụng ý hay quá ấy chứ!!


Mình thích sự ngây thơ trong sáng của mấy đứa nhỏ trong phim ghê. Với tụi nó, lúc nào vấn đề cũng đơn giản và dễ dàng. Tụi nó chả bao giờ thù ghét ai quá dai, mà ranh giới của chuyện thích hay ghét một ai đó với tụi nó cũng mong manh lắm. Mình cứ nghĩ là xong phim từ đoạn giữa rồi, ai dè mấy anh em chung trại với nhóc nam chính nói chuyện một hồi rồi quay qua bênh, rồi cả bọn lại đi giúp 2 đứa nhỏ bỏ trốn lần nữa mới mắc cười chớ, còn làm cả con búp bê giấy nó xấu, nhưng cưng dễ sợ. Mà bọn nhóc này cũng khôn đáo để, cũng biết đi cứu con bé trước rồi mới qua bên chỗ thằng nhỏ. Nhờ cái tụi này mà phim nó dài ra không ngờ, lại còn tác động được lên suy nghĩ của cả mấy người lớn nữa. Hai đứa nhóc nam nữ chính, con nít mà cũng bày đặt yêu đương lãng mạn lắm, coi cái cách tụi nó hôn nhau kiểu Pháp, lại còn ôm nhau chặt cứng khi bị bắt quả tang, lại còn đòi làm cả đám cưới nữa. Đúng kiểu là, nếu bạn chán thì hãy xem mấy đứa con nít chơi với nhau, bạn sẽ thấy tâm hồn mình được làm dịu đi, được vui vẻ hơn rất là nhiều.

 

Day 18: Mariage story



Câu chuyện hôn nhân là bộ phim kể về quá trình ly hôn của cặp vợ chồng Charlie và Nicole. Hai người đã từng là một cặp đôi hạnh phúc, và cùng với đứa con trai Henry, cả ba giờ đây là một gia đình hạnh phúc. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng phải đến, những vấn đề tiềm ẩn trong mối quan hệ của Charlie và Nicole càng ngày càng vượt xa tầm kiểm soát của hai bên khiến họ không còn có thể ngồi lại mà nói chuyện với nhau cho tử tế nữa. Nicole đã từng là một diễn viên xuất sắc, có một sự nghiệp hào nhoáng riêng tại LA nhưng vì yêu Charlie, cô đành rời xa quê hương để đến New York. Tại đây, cô trở thành vợ của Charlie, mẹ của Henry và là một thành viên trong đoàn kịch của chồng. Cô không còn cảm thấy mình là Nicole nữa, không còn là một Nicole có thể tự làm mọi điều mình yêu thích, tự quyết định cuộc sống của bản thân, cô bây giờ chả khác gì một con rối bị chồng điều khiển vì Charlie thuộc típ người có cái tôi quá lớn, anh luôn cho rằng Nicole phải nghe theo mọi quyết định của mình. Anh luôn tự tin vào bản thân và cho rằng những điều mình có được là hiển nhiên, kể cả sự hi sinh của Nicole cũng vậy. Chỉ đến khi hôn nhân tan vỡ, anh phải đối diện với sự thật là bên mình không còn người vợ, không còn hậu phương vững chắc, không còn một mái nhà cho mình an tâm tựa vào, anh mới vỡ lẽ ra rằng, mình thật quá đỗi ngu ngốc. Ngu ngốc vì rằng đã đặt cái tôi cao quá, và giờ đây nó làm mình vật vã quá. Charlie cố gắng để làm một người cha tốt, cố gắng sắp xếp việc li hôn và việc ở đoàn kịch, anh cảm thấy cuộc sống như đảo lộn lên hết cả và anh bối rối, nhưng anh không thể làm được gì khác ngoài chấp nhận. Giờ đây chẳng có gì còn có thể cứu vãn được cuộc hôn nhân này nữa, và dù có thương nhau đến đâu thì lựa chọn tốt nhất cho cả hai lúc này là buông bỏ.


Tình yêu và hôn nhân là những khía cạnh phức tạp, và đầy biến số. Nó cũng là đề tài khó nói nữa, không biết sao mới vừa lòng.

 

Đôi dòng trước khi cập nhật bộ phim thứ 19: Hôm nay là ngày 11/8/2020, 4 tháng kể từ ngày thử thách này được bắt đầu. Mình cứ nghĩ là mùa dịch đã qua lâu, kể từ tháng 6 - từ đầu tháng 6 trở đi, tình hình dịch bệnh có vẻ như đã được kiểm soát và mọi hoạt động thường ngày hầu hết được diễn ra một cách bình thường - nhưng có vẻ không phải vậy. Có một vài chuyển biến xấu hồi cuối tháng 7 vừa rồi. Thế nên, tiêu đề thử thách xem phim mùa dịch có vẻ vẫn còn tiếp tục phù hợp và mình không cần phải cân nhắc để đổi tên tiêu đề nữa. Mình cứ kéo dài mãi và đến bây giờ đã là 30 ngày lần thứ 4, nhưng mình chỉ mới xem được 19 bộ phim. Thôi kệ vậy, đằng nào mình cũng không gấp, mình còn kha khá thời gian và xem phim một cách chậm rãi để ngẫm nghĩ là một thú vui mà mình cho rằng nó xứng đáng được tốn thời gian như thế.


Day 19: Intouchables



Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về tình bạn giữa một nhà quý tộc giàu có da trắng -Philippe và một người da đen tên là Driss. Sau một sự cố ngoài ý muốn, Philippe bị bại liệt và góa vợ. Cứ tưởng là Philippe sẽ nghĩ quẩn và chết sớm vì giờ đây, bị liệt từ cổ đến chân không thể làm được gì nữa, nhưng không, Philippe giàu có và có nghị lực, ông vẫn còn tâm hồn thế nên, đau đớn không thể làm ông gục ngã. Có lẽ, theo mình, một điều may mắn mà Philippe nhận được chính là sự kế thừa những truyền thống từ gia đình ông. Dù ở trong hoàn cảnh không lấy gì làm vui vẻ, ông vẫn giữ được khí chất của một nhà quý tộc, không để bất kì ai có thể coi thường bản thân mình. Ông vẫn may mắn vì có tiền và xung quanh ông là những người săn sóc và các bác sĩ có thể giúp ông sống đến tận 70 tuổi. Những lúc chán nản thì có thể đi hít thở khí trời, đi dạo một chút, không nhiều âu lo vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền. Nhưng suy cho cùng, Philppe cũng chỉ là con người, ông cũng không thể lúc nào cũng vờ như là mọi chuyện vẫn ổn. Ông đã từng là một con người sống tự do và phóng thoáng, giờ đây bị liệt và chỉ có thể nằm yên một chỗ, việc sống tiếp với ông khó khăn đến nhường nào. Ông biết về những cái nhìn mà mọi người dành cho ông, những cái nhìn thương hại mà đối với niềm kiêu hãnh của một quý tộc, ông không thích điều đó chút nào. Bởi vậy, cho dù có cố gắng mạnh mẽ và lạc quan để sống, Philippe cũng không thể chối bỏ về cái sự thiếu giờ đây đã là một phần trong cuộc sống của ông được. Chỉ đến khi gặp Driss, người chăm sóc mới của ông và là người mãi sau này vẫn là một người bạn tốt, Philippe mới cảm thấy được niềm vui như được là chính mình. Driss không có xuất thân và quá khứ tốt, nhưng mấy điều đó Philippe không coi là quan trọng. Điều mà Philippe thích ở Driss chính là Driss đối xử với ông như chính cách mà ông mong muốn được nhận. Ở họ là một tình bạn, không phân biệt thân phận, địa vị hay giai cấp. Họ ở bên cạnh nhau như những người bạn thật sự và luôn mong muốn điều tốt đẹp cho người còn lại. Điều đó thật đáng quý.

 

Day 20: Nhà tù ShawShank



Mình thích phim này, thực sự rất thích. Mình phải chốt bằng một câu khẳng định như vậy đã trước khi viết tiếp.


Cảnh báo spoil - Ai không sợ spoil thì cứ đọc tiếp đi nha.


Phim kể về anh chàng Andy - phó giám đốc ngân hàng bị kết án vì tội giết vợ và người tình của vợ. Chưa gì mới vào đầu phim đã thấy số Andy thật là nhọ. Mình chưa xét đến chuyện Andy có vô tội hay không nhưng bị vợ cắm sừng là một nỗi nhục ê chề cái đã, đó là một cú tát vào mặt rất đau rồi. Đến lúc biết mình bị kết án oan sau 19 năm ngồi tù, nỗi đau đó lại nhân lên gấp ngàn lần, đau, đau không thể nào tả nỗi. Thực ra, vào cái đêm vợ Andy và người tình của ả bị giết, Andy đã có một cuộc nói chuyện, đã từng có ý nghĩ muốn giết cả hai và Andy uống rượu, rất nhiều rượu. Bởi vậy mà anh say và để lại ở hiện trường rất nhiều chứng cứ chứng minh rằng mình đã từng ở đó. Andy không thể khẳng định được mình có vô tội hay không vì anh không nhớ được, nhưng anh hi vọng là mình không làm. Lương tâm anh bảo với anh rằng anh không làm chuyện đó.


Rồi Andy vào tù vì tất cả những mơ hồ đó chẳng giúp ích được gì cho anh trước tòa. Tại nhà tù Shawshark, Andy nhận ra giờ đây mình phải bắt đầu một cuộc sống khác. Suốt một tháng trời, anh chỉ im lặng và quan sát, không giao tiếp với bất kì ai, cứ như là anh đang lên cho mình một kế hoạch gì đó thật tỉ mỉ vậy. Red và Brooks là hai người đầu tiên mà Andy tỏ ra thân thiết. Ban đầu chỉ là vì lợi ích, nhưng sau họ xem nhau như những người bạn chia sẻ tâm sự. Red và Brooks đều là những tù nhân lớn tuổi. Họ ở Shawshark đã từ lâu lắm rồi. Và họ đã quen với cuộc sống ở đây đến nỗi nó như là một phần cuộc sống của họ. Nếu không ở Shawshark, họ không là ai cả...


... Brooks biết vậy. Ông muốn cố tình phạm tội để không phải rời khỏi đây khi đến hạn ân xá. Nhưng rồi ông không thể phạm tội vì lương tâm ông không cho phép. Ông rời khỏi Shawshark, đến làm việc ở một siêu thị. Tối nào ông cũng gặp ác mộng, ông không muốn cuộc sống như thế này. Ông để lại một bức thư gửi các bạn ở nhà tù, khắc dòng chữ "Brooks was here" lên cột nhà rồi tự tử.


Trích lời của Red: "Brooks không bị điên. Ông ta chỉ bị "thể chế hóa". Ông ta đã ở đây 50 năm rồi. Heywood, 50 năm rồi đấy cậu biết không? Đây là tất cả những gì ông ấy có. Ở trong này ông ấy là người đàn ông quan trọng, một người có học thức. Ngoài kia, ông ấy chẳng là gì cả. Ngoài kia ông ấy chỉ là một lão già vô dụng bị viêm khớp cả hai tay... Những bức tường tù này rất hài hước. Lúc đầu ta ghét chúng. Nhưng về sau ta quen với chúng. Khi thời gian trôi qua đủ, ta sẽ bị phụ thuộc vào chúng. Đó gọi là "thể chế hóa"..."


Red biết về những cảm nghĩ của Brooks vì chính ông cũng lo lắng như vậy. Không bao lâu sau khi Andy vượt ngục thành công, Red được ân xá. Red trải qua những ngày tháng như Brooks trải qua, tại căn phòng Brooks đã ở, siêu thị Brooks đã làm và Red cảm thấy khổ sở cũng y như Brooks đã từng. Nhưng Red không tự tử, bởi Red có hi vọng, chính Andy đã cho Red cái hi vọng đó. Bỏ lại dòng chữ "So was Red" bên cạnh "Brooks was here", Red lên đường đi tìm sự tự do cho chính mình.


Về phần Andy, sau khi vượt ngục thành công - một phân cảnh mà mình cực kì xúc động, rằng mình không ngờ Andy ẩn nhẫn và kiên trì quá, mình nhìn lại quảng thời gian 19 năm, suy tính từng chút từng chút một của Andy mà không khỏi thán phục - Andy có một cuộc đời mới. Bò ra khỏi cái cống dơ bẩn dài 500 yard, Andy hoàn toàn sạch sẽ. Giờ đây anh hoàn toàn tự do - một sự tự do hoàn toàn xứng đáng.


Trước khi kết thúc phần cảm nghĩ về bộ phim này, mình muốn bày tỏ thêm rằng mình hoàn toàn công nhận rằng tri thức có một sức mạnh thật to lớn. Nếu không có tri thức, Andy không thể nào có thể thoát khỏi công việc lao động chân tay nặng nhọc để từng bước dành được sự tín nhiệm của ban lãnh đạo nhà tù, không thể xây dựng được thư viện cũng không thể nào suy tính con đường vượt ngục và chơi ông giám đốc một vố thật đau như vậy. Chuyện trau dồi cho mình tri thức là không bao giờ thừa đâu. Một thông điệp đánh thẳng vào mặt mình vì dạo này mình lại lười lại. Mình cũng nhận ra rằng kiến thức không ôn lại thì sẽ quên rất nhanh và mình đang chán bản thân mình quá!!!

 

Thông báo ngày 15/08/2020: Lịch xem phim Bản danh sách của Schindler sẽ được lùi lại cho đến khi mình đọc xong cuốn sách cùng tên mà bộ phim này dựa vào để chuyển thể.


Day 21: Bản danh sách của Schindler


Mình đọc xong sách từ hồi mùa thu năm ngoái rồi và sau khi xem phim xong thì mình nhận ra mình thích Schindler trong sách hơn, thích cái cách mà tác giả miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật Oskar Schindler. Nhưng cũng chính tác giả biên kịch phim, mình lại không thích phim cho lắm. Ủa kì ha? Bạn mình kêu cũng không kì lắm đâu.

 

Day 22: Mùa len trâu ( Việt Nam )



Số phận những người dân nghèo nơi miền quê sông nước đã được mô tả qua những thước phim chân thực nhất, cảm động nhất, đến nỗi mà mình coi, mình cảm thấy thực đau lòng. Nhà Kìm nghèo. Đến mùa nước nổi, Kìm được ba má giao cho 2 con trâu để đem đi len với đám người của ông Lập. Vài tháng xa ba má, Kìm lăn lộn giang hồ, học được không biết bao nhiêu là thói hư tật xấu, cũng được nếm trải mùi đời. Rồi sau này, nó bỏ nhà nó đi, bỏ ba má nó, nhưng may là nó chưa đến nỗi quá bất hiếu. Biết ba nó sắp mất, nó vẫn còn biết đường đi kiếm ổng. Đoạn ông ba Kìm chết, ba người loay hoay với cái xác là đoạn mình buồn nhất phim. Chuyện là giờ đang mùa nước nổi, đâu đâu cũng là nước, đất đâu mà chôn, đất cao thuộc về địa chủ hết cả rồi, giờ chỉ còn cách treo xác lên sào cao, hoặc kiếm cái gì nặng dìm xác xuống nước, đợi hết mùa nước nổi rồi mới đem xác đi chôn được. Thật khốn khổ! Đến chết cũng không có đất mà chôn.


Mình coi hết phim, tua lại đoạn mở đầu mới hiểu đứa nhỏ tìm được cái cối, ông nó bảo kể cho nó nghe về cái xác ông cố, là Kìm đang kể cho cháu nó nghe về cái xác của ba. Hồi đó thực sự hết cách, nó đành xin cái cối nhà bà hai để dằn xác ba nó xuống nước. Ông hai có làm dấu bằng cây sào chỗ ổng dằn xác ba Kìm, nhưng nước chảy xiết quá, đến khi nước rút, cái xác cũng bị mất dấu theo.


Trong phần bình luận này, mình không phân tích góc quay, góc máy hay tính nghệ thuật của bộ phim. Mình chỉ muốn nói tới cảm xúc, rằng bộ phim làm mình buồn - buồn cho thân phận người nông dân nghèo, làm thuê cuốc mướn cả đời, chẳng thể tự quyết định số phận của mình, đến lúc ra đi cũng chẳng được yên nghỉ.

 

Day 23: The pianist (2002)



Phim dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của tác giả người Do Thái-Ba Lan Władysław Szpilman - một nghệ sĩ dương cầm. 150 phút của bộ phim tái hiện lại khoảng thời gian những năm thế chiến thứ 2, khi Đức xâm lược Ba Lan và tìm mọi cách để tiêu diệt người Do Thái. 150 phút đó đan xen nhiều khung bậc cảm xúc, khiến người ta nghẹn lòng, xót thương và thấy rùng rợn vì những tội ác chiến tranh mà Đức Quốc Xã đã gây ra. Có thể nói Szpilman là một người may mắn. Mặc dù cuộc sống của anh không mấy dễ chịu gì nhưng, ít ra anh đã sống được tới ngày chiến tranh kết thúc. Đó là một ước mơ mà bao người Do Thái đã mơ ước, nhưng ít ai trong số họ được toại nguyện. Hầu hết họ đều bỏ mạng tại những trại tập trung, hay trên những chuyến tàu để tới đó. Ít có người nào biết được mình đã chết như thế nào.


May mắn mà Szpilman có được một phần vì tài năng, phần còn lại là nỗ lực. Trước chiến tranh, anh mê mẩn suốt với âm nhạc và làm việc ở Đài phát thanh Ba Lan. Tuy không được xem là nổi tiếng, nhưng anh cũng được kha khá người biết tới và ngưỡng mộ. Và chính họ, sau này là những người đã giúp cho Szpilman tìm nơi ẩn nấp khi anh bị truy bắt bởi lực lượng SS. Anh trốn được vài năm cho đến khi Hồng Quân Liên Xô phản công, những cuộc chiến tranh làm cho Warsaw gần như bị san bằng và người dân phải di tản, lúc này không còn ai giúp đỡ, Szpilman chỉ còn lại một mình. Anh cố gắng sống qua ngày nhờ đi lục lọi những gì còn sót lại, cũng vì vậy mà một lần tình cờ, anh gặp Wilm Hosenfeld - một sĩ quan người Đức. Bằng tài năng của mình, một lần nữa, Szpilman đã làm cho Hosenfeld về phe mình, giúp đỡ và không tố cáo anh với quân Đức. Szpilman sống sót qua chiến tranh. Khi được bạn báo cho tin về Hosenfeld bị bắt, anh đã đi tìm để giúp nhưng không tìm được. Szpilman tiếp tục sống ở Warsaw và qua đời vào năm 2000, còn Hosenfeld mất năm 1952 ở trại giam Xô Viết.


Đây không phải lần đầu tiên mình biết về Holocaust nhưng mỗi lần được nghe kể thêm một câu chuyện như thế này, mình lại không khỏi xúc động. Gần đây mình cũng đọc thêm một cuốn sách về Holocaust, đó là cuốn nhật ký của Anne Frank. Những câu chuyện về chiến tranh luôn để lại những niềm đau khó tả.

 

Day 24: The Green mile (1999)



Phép màu luôn xuất hiện kể cả ở những nơi tăm tối nhất.


Để cảm nhận bộ phim một cách hay và sâu sắc nhất, xin đừng đọc trước phần bình luận này. Xem phim rồi quay lại đọc sau nhé, vì mình viết bình luận toàn spoil!


Cùng lấy bối cảnh là nhà tù như Nhà tù Shawshark - cả The Green mile và Nhà tù Shawshark đều dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Stephen King - nhưng lần này, không phải là hành trình trốn thoát hay một cú plot twist ngoạn mục nào đó tương tự, mà là một câu chuyện diễn ra y như những gì đã được tiên liệu. John Coffey sẽ chết và không có vụ minh oan nào xảy ra. Bộ phim nói về phép màu, nhưng không có phép màu nào trong số đó cứu sống được người tử tù.


Bộ phim được kể qua lời của Paul Edgecomb, người bây giờ đã 108 tuổi và đang sống tại một viện dưỡng lão. Hồi Paul 44 tuổi, ông cùng với những sĩ quan khác làm công việc cai quản khu vực dành cho tử tù. Trước khi những người tử tù được đưa đến phòng xử tử, nơi mà họ sẽ chết trên một cái ghế sốc điện, họ sẽ đi ngang qua một hành lang màu xanh mà ở trong nhà giam này, mọi người gọi là "The green mile - Dặm xanh". John Coffey - một người da đen to lớn - được đưa đến nơi này vì người ta buộc tội anh đã cưỡng hiếp và sát hại hai cô bé da trắng. Thực ra, John Coffey bị oan, nhưng chẳng ai "rảnh thì giờ" minh oan cho một người da đen. Vả lại, khoảng thời gian những năm thập niên 1930, nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn mạnh mẽ, người da đen không có nhiều quyền lợi trong xã hội và thực tế đó đã làm cho họ phải chịu nhiều tủi khổ. Mặc dù biết vậy, mình vẫn mong có một phép màu nào đó giúp John rửa được nỗi oan khuất này, bởi, mình không muốn John chết. Mình cũng giống như Paul và mọi người, không muốn giết chết một phép màu của Chúa.


John Coffey là một phép màu. Anh chữa trị bệnh cho Paul và bạn của Paul, cứu sống Mr.Jingles - chú chuột đáng yêu của Del - một người tử tù khác, trừng trị gã Billy bệnh hoạn và cả tên cai ngục Percy đáng ghét - cái gã lúc nào cũng tự coi bản thân mình là cao quý, ỷ mình là con ông cháu cha nên suốt ngày khinh khỉnh, chẳng coi ai ra gì. John làm tất cả những điều đó bằng một phép màu, một thứ năng lực mà Chúa đã ban cho anh. Nhưng John mỏi mệt vì thứ năng lực đó. Có phép màu thì có gì sung sướng khi nó chỉ cho anh thấy những đau khổ và bất hạnh trên thế gian này, người với người tàn sát nhau, gây cho nhau những hiềm nghi và thù địch. Chứng kiến những cảnh đó mà không thể làm được gì nhiều, John cảm thấy mình bất lực, toàn thân anh rệu rạo, tâm trí anh mệt mỏi. Giá mà anh được giải thoát khỏi cảnh này và trở về thiên đường. Ở đó sẽ không còn những buồn đau hay tủi khổ nào nữa.


John mất. Paul luôn mang trong mình những dằn vặt vì đã giết chết một phép màu của Chúa. Paul bị trừng phạt bằng việc phải sống thật lâu, lâu hơn những người thương yêu rất nhiều để chứng kiến sự ra đi của họ. Đó là một hình phạt thật đau, đau gấp nhiều lần những hình phạt về thể xác. Nhưng Paul không phàn nàn gì về việc đó vì anh biết, đây là những gì mình phải nhận, dù cho Ngày Phán quyết cuối cùng có đến hay không. Và bộ phim kết thúc.


Nhưng phần bình luận chưa kết thúc, vì mình muốn nói thêm đôi điều về nhân vật Del - người bạn đầu tiên của Mr.Jingles - như đã nhắc đến ở trên là một chú chuột dễ thương và lanh lợi. Del là một tử tù. Del đã làm chuyện xấu. Mình biết, nhưng mình thấy tội cho Del. Những kẻ đáng trách đều có một quá khứ đáng thương. Có mấy đoạn hội thoại giữa Del và Paul, làm mình ấn tượng mãi. Del nói, phải chi cho tôi trở lại năm tôi 18 tuổi, năm đó, tôi kết hôn, tôi sống với vợ ở một ngôi nhà bên đồi, chúng tôi sống vui vẻ và yêu nhau mỗi tối, tôi sẽ sống như thế đến hết quãng đời còn lại. Hay đoạn, tôi ước gì mình được gặp ông sớm hơn, vậy thì tôi sẽ không như thế này. Del hối hận về những tội ác của mình. Con người đó đã lầm lỡ, đã phạm tội và giờ đây hối hận. Chẳng ai có thể kết luận về chuyện Del là người tốt hay xấu, nhưng vào những ngày cuối đời ông đã chọn hướng thiện.


Xấu-tốt hay thiện-ác là những phần đối nghịch luôn tồn tại song song trong mỗi con người. Có điều, ta là người chọn cho bên nào phần nhiều hơn.

 

Day 25: Interstella (2014)


Một bộ phim về tương lai, khi sự sống của con người bị đe doạ bởi những thảm hoạ tự nhiên khôn lường. Có một thế lực nào đó đã cố gửi những thông điệp mã hoá thông qua căn phòng của một cô bé 10 tuổi tên là Murphy.


* Sự cố: À, mình tính viết cho xong phần review mình đã ngâm hơn một năm nay nhưng tình hình xem ra không được thuận lợi lắm. Gõ chữ bằng Macbook không quen tí nào, nên thôi có lẽ để hôm khác mình lại viết (25-5-2021)

Phải thú thật là vì mình đã xem phim này khá lâu rồi và giờ này mới ngồi lại một cách siêng năng để viết review nên chẳng nhớ chính xác được bao nhiêu. Đại khái, đây là một bộ phim khá hack não khi đi một vòng tròn thời gian rồi cuối cùng chẳng ra đâu vào đâu, buồn cười đúng không? Cô bé giải ra được thông điệp nhưng không giải quyết được gì cả khi bố vẫn lựa chọn ra đi. Phim này mình không ấn tượng gì nhiều nên chẳng biết bình luận gì cả. Dừng nha, để qua phần review tiếp theo


 

Day 26: Shutter Island



Phải nói là mình ấn tượng với tất cả các bộ phim mà Leonardo DiCaprio chọn để tham gia, kịch bản thật đúng kiểu "đỉnh của chóp" và tất nhiên là Shutter Island cũng không ngoại lệ. Bộ phim xoay quanh câu chuyện đi tìm sự thật về hòn đảo kinh hoàng của nhân vật Teddy. Trải qua nhiều biến cố, các manh mối được hé lộ nhưng nó không làm sáng tỏ mà chỉ gây thêm hoang mang cho Teddy đến nỗi anh bắt đầu nghi ngờ mọi thứ xung quanh mình và cả chính bản thân mình nữa. Anh không phải Teddy, không, thật ra anh vẫn là Teddy, có gì đó không đúng khi hình như Teddy là một ảo tưởng được anh xây dựng cho chính mình. Là anh bị điên hay chính cái bệnh viện đó mới điên? Câu trả lời đã quá rõ ràng ở đoạn kết. Một bộ phim siêu hay dành cho các mọt thích thể loại suy luận. Mời mọi người nhảy hố nhé!

 

Day 27: Gravity



"Ôi, tôi sắp chết rồi. Tôi sẽ chết hôm nay, nhưng vấn đề là tôi sợ, sẽ không có ai khóc thương tôi, không ai cầu nguyện cho tôi. Hay giờ đã quá muộn màng? Bạn sẽ khóc thương tôi nhé, bạn sẽ cầu nguyện cho tôi nhé."


"Cô có thể tắt mọi hệ thống và nhắm mắt lại rồi quên đi mọi người. Không ai ở trên đây có thể làm cô tổn thương.


Tiếp tục để làm gì? Sống tiếp để làm gì? Con cô đã mất, còn gì đau khổ hơn."


Trích lời mình: Tại sao đau khổ nhiều nhưng người ta vẫn chọn tiếp tục sống? Phải chẳng là vì vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp luôn chờ đón chúng ta ở phía trước để ta biết ơn vì được trải nghiệm cuộc sống này.


"Được rồi, theo tôi thấy chỉ có 2 kết cục. Một là, tôi đáp xuống nguyên vẹn và có một câu chuyện ly kì để kể. Hoặc tôi sẽ bị cháy rụi trong 10 phút nữa. Dù gì đi nữa, dù kết cục như thế nào, cũng chẳng sao cả, vì dù sao đi nữa đây cũng là một chuyến đi phi thường. Tôi sẵn sàng rồi."


Hãy đeo tai nghe khi xem phim nha. Mình cảm thấy có một sự sáng suốt tuyệt đối khi mình quyết định đeo tai nghe khi xem phim. Đeo tai nghe mang lại một trải nghiệm chân thực nhất và tin mình đi, phim này xem ngoài rạp không đã bằng xem ở nhà một mình và đeo tai nghe đâu.


Mình thích phim này vì mình cảm thấy như mình, chính mình là nhân vật đang trải nghiệm sự phi thường đó. Điều đó thật thú vị mặc dù nội dung phim chẳng có gì nhiều.

 

Day 28: The edge of tomorrow



Phim này có nội dung như kiểu game chiến đấu, chết có mạng lại sống lại, làm lại từ đầu nhé, lần này nhớ rút kinh nghiệm, biết chỗ đó có bẫy rồi phải né ra nha. Chơi game thì tất nhiên chỉ có một mục tiêu là dành chiến thắng mà cách thức duy nhất là giết con địch đầu xỏ rồi. Và vì là phim nên nhìn thôi cũng biết người anh em thiện lành của chúng ta sẽ giành chiến thắng. Lỡ spoil rồi nên luôn mồm nói luôn là cuối cùng anh nam chính giết được con Omega và chiếm được năng lực điều khiển thời gian của nó rồi anh vô thức quay về thời điểm đầu phim. Vì con Omega kia coi như đã biến mất khỏi dòng thời gian nên bấy giờ khi tỉnh dậy, nam chính chỉ toàn nghe tin thắng trận của phe ta, anh biết cả, nhưng anh không quan tâm, anh đi tìm chị nữ chính và viết tiếp thiên tình sử lãng mạn đây. Nếu mấy đứa đòi phần 2 thì phần 2 chẳng khác gì một câu chuyện ngôn tình và tin chắc rằng mấy cẩu FA chẳng hào hứng tí nào. Câu chuyện nên kết thúc tại đây thôi.

 

Day 29: Mưu cầu hạnh phúc



Mình tin vào câu tất cả đều đúng thời điểm. Mình coi phim Mưu cầu hạnh phúc vào một hôm mình siêu buồn và bộ phim đã kéo mood của mình lên ngày hôm đó. Nếu mình coi phim này hồi năm ngoái thì nó chẳng để lại cho mình nhiều sâu sắc như thời điểm hiện giờ đâu, vì bây giờ mình hiểu nhiều điều mà một năm trước mình đã không hiểu. Có ai mà không muốn được hạnh phúc chứ? Với người nghèo, hạnh phúc là có tiền. Với người bệnh, hạnh phúc là có sức khoẻ. Với người trẻ, hạnh phúc là được tự do. Với người già, hạnh phúc là bình an sống qua ngày lại tháng. Người ta dùng từ mưu cầu gắn với từ hạnh phúc, có phải muốn nói rằng hạnh phúc quá xa xỉ nên người ta chỉ có thể mưu cầu đúng không?


Có người bảo hạnh phúc là sống với giây phút hiện tại. Sao người ta có thể hạnh phúc với hiện tại khi mà người ta luôn bất an bởi mọi thứ xung quanh đều bất ổn? Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi là một câu an ủi cửa miệng quen thuộc nhưng xét ra, từ sẽ là thì tương lai đó đến khi nào mới xảy ra? Quả là một thách thức lớn khi sống trong đời.


Một bộ phim giúp an ủi tâm hồn rất nhiều.

 

Day 30: Little Women


Women, they have minds, and they have souls, as well as just hearts. And they've got ambition, and they've got talent, as well as just beauty. I'm so sick of people saying that love is all a woman is fit for.”


Mình thích Jo vì mình tìm thấy được những điểm chung giữa hai đứa và đến đoạn này thì mình phải thốt lên Jo đúng guu mình quá rồi. Peanut biết mình sẽ thích phim này nên giới thiệu và nó đã đúng vì mình thích phim này thiệt sự. Ngoài Jo ra mình cũng thích cả bà dì của Jo nữa và mình mong muốn là mình sẽ sống thật tự do thoải mái như vậy cho tới cuối đời. Không phải mình đề cao nữ quyền nên mới thích phim này đâu. Thực ra, mình luôn tin rằng mỗi người sinh ra đều có những kế hoạch của riêng mình, có những chuyện họ phải làm theo như hoạch định của riêng họ chứ không phải bởi vì người đời bảo họ phải như thế. Người ta có thể tự do chọn cuộc đời họ muốn và chọn cách để sống, vậy thì sao không chọn sống thật sảng khoái . Có ai sống thay được cho mình đâu và cũng chẳng mấy ai bận tâm hiểu cho cuộc đời mình nên nhiều khi chỉ cần để ngoài tai là được. Miệng lưỡi thế gian này lươn lẹo lắm, không biết đường nào mà lần đâu.

Vậy nhé, kết thúc bài review tại đây nhé. Mình đã viết mấy lời lê thê dài dòng từ ngày này qua tháng nọ. Màu mè thế thôi chứ mình viết từ qua tới giờ là rạng sáng ngày mới rồi. Dịch thì chưa hết nữa và chẳng biết phải sống chung với dịch đến bao giờ đây?


01:15

TP Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 6 năm 2021


Mai Phong Nguyệt Lão

1 Comment


quangtrankt98
quangtrankt98
Jun 02, 2021

Cảm ơn vì cuối cùng cũng kết thúc cái challenge 30 ngày sau 1 năm 22 ngày :)) Hy vọng bạn tôi đã yêu môn nghệ thuật thứ 7 này hơn một xíu :))) And be ready... Another list is coming <3

Like

There must be a quote here, but it cannot be described in words.

Feel it.

Mai Phong 

©2019 by Mai Vân Các. Proudly created with Wix.com

bottom of page