top of page
Home: Welcome
Home: Blog2

Những điều mà mọi người vẫn thường hay nghĩ về hội mọt sách?

  • Writer: Mai Phong
    Mai Phong
  • May 19, 2020
  • 5 min read

Thế nào là mọt sách?


"Mọt sách" theo định nghĩa ban đầu là người đọc sách hiểu nhiều nhưng chỉ có những nhận xét theo sách vở chứ không thực tế. Trong cách sử dụng hiện đại, từ này được dùng với nghĩa linh hoạt hơn, thường để chỉ những người ham học, ham đọc và có niềm yêu thích với sách vở vô bờ bến.


Dù không còn được sử dụng như nghĩa ban đầu và thay bằng cách sử dụng mới hơn nhưng tôi vẫn không thích ai đó gọi mình là "mọt sách" (bookworm). Tôi thích một từ thay thế nghe nhẹ nhàng và dễ chịu hơn - "người yêu sách" (booklover).


Sở dĩ cái tên "người yêu sách" - booklover nó làm tôi thoải mái hơn là vì nó không mang trong mình những thành kiến, những điều mà mọi người vẫn luôn cho rằng nó là thế, những điều đã ăn sâu vào trong tâm trí đến nỗi hễ cứ nhắc đến mọt sách, mọi người lại tự động nghĩ đến nó. Đó là những điều mà tôi sẽ liệt kê sau đây.


"Mọt sách" là phải đầu to kính cận, suốt ngày ôm khư khư cuốn sách


Đầu tôi không to lắm, và mặc dù mắt tôi bị cận nhưng nó chẳng liên quan gì đến chuyện tôi đọc hay học quá nhiều. Tôi cũng không phải chỉ có biết mỗi sách trên đời. Chắc hẳn là có nhiều bạn "mọt" khác cũng đồng tình với tôi về điều đó. Không phải chỉ có những người đọc sách mới bị cận, xem TV, chơi điện tử, chat chit trên mạng, dùng điện thoại trong bóng tối... tất cả những việc đó đều dẫn đến những tật về mắt. Việc ôm khư khư sách bên mình cũng là chuyện của những ngày xưa cũ rồi. Nếu để ý thì bạn sẽ thấy rằng, ngày nay mọi người thích đem theo một chiếc Kindle hơn, vì nó gọn nhẹ và không chiếm nhiều diện tích như sách giấy. Với Kindle người ta có thể cùng lúc mang theo cả hàng ngàn cuốn sách chứ không phải chỉ một cuốn một thôi đâu.


Vì bây giờ là hiện đại, người ta có nhiều kiểu cách, trang phục và vẻ biến hóa về bề ngoài hơn. Việc mang theo định kiến rằng "mọt sách" đầu to mắt cận, lúc nào cũng ôm sách cũng giống như việc mình luôn nghĩ, phù thủy phải cưỡi chổi thần và trên tay bế theo một con mèo đen. Thực ra thì đâu phải lúc nào cũng nhất thiết phải như vậy. Có nhiều người là phù thủy nhưng họ vẫn đi bộ và không nuôi mèo như tất cả mọi người khác đấy thôi.

 

"Mọt sách" thường là kiểu người hướng nội và ít nói


Tôi không phải là người hướng nội, nhưng cũng không phải là người hướng ngoại hoàn toàn. Theo tôi, bên trong bản thân mỗi con người đều có cả phần hướng ngoại và hướng nội. Tùy theo việc phần nào nhiều hơn mà mình sẽ được xếp theo loại đó. Giả sử nếu bạn có 30% hướng nội và 70% hướng ngoại thì bạn sẽ được xem là một người hướng ngoại và ngược lại. Còn nếu bạn cân bằng được 2 phần, nghĩa là bạn 50% hướng nội và 50% hướng ngoại thì bạn là kiểu hướng trung. Tuy nhiên, những con số ở đây chỉ là tương đối, bởi việc xác định những con số đó sao cho chính xác là một việc không lấy làm dễ dàng gì và ta chỉ có thể ước lượng mà thôi.


Quay trở lại với chủ đề, ý tôi muốn nói, không phải ai đọc sách cũng là người hướng nội và ít nói. Tôi không từ bụng ta suy ra bụng người. Tôi nói vậy vì tôi thấy vậy. Điển hình là những doanh nhân - như Bill Gates hay Steve Jobs, họ đọc rất nhiều sách nhưng họ không hề hướng nội và ít nói. Khả năng ngôn ngữ của họ không những tốt mà tôi nghĩ nên gọi là xuất xắc mới đúng. Họ thể hiện khả năng ngôn ngữ của mình thông qua những bài thuyết trình tràn đầy hứng khởi và cổ vũ tinh thần của biết bao nhiêu người. Mà thực ra, hướng nội hay hướng ngoại, theo tôi, chẳng hề ăn nhập gì đến khả năng nói hay chuyện nói ít, nói nhiều. Tôi có thể sống rất nội tâm nhưng tôi lại biểu hiện ra là một người quảng giao và hồ hởi. Chuyện đó cũng đâu có gì lấy làm lạ. Ôi, sự đời với muôn hình vạn trạng, làm sao có thể quy lại về một mối đây.

 

"Mọt sách" là quái vật biết tuốt


Kiến thức như đại dương mà chẳng ai lại có thể tự vỗ ngực và cho mình là hiểu hết về đại dương sâu thẳm đó, kể cả họ đã từng bơi qua đại dương đi chăng nữa, mà ai có thể bơi được qua đại dương cơ chứ khi nó rộng đến tận chân trời. Sách vở là một phương tiện dùng để truyền tải kiến thức nhưng sách vở không thể chứa đựng hết tất cả trí huệ - trí huệ là chiều sâu của đại dương đó. Có những điều không thể dạy, lại càng không thể hình tượng hóa thành ngôn ngữ. Như nhà văn Hermann Hesse đã từng nói: "Người ta có thể truyền đạt được kiến thức, nhưng không truyền đạt được trí huệ. Ta có thể tìm thấy nó, trải nghiệm nó, được nó nâng đỡ, có thể làm điều kì diệu với nó, nhưng nói ra và dạy bảo thì không thể được."


Mọt sách cũng chỉ là người bình thường và không phải cứ đọc sách nhiều thì sẽ trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Để học hỏi khối lượng kiến thức, trong những công trình đồ sộ đồ sộ từ lịch sử, địa lý đến khoa học, vật lý và triết học... là một sự dày công rất lớn. Hiểu được một người đã khó, hiểu được những gì họ viết còn khó hơn. Đã thế, còn đâu cố nhân cho ta ngồi đây mà chất vấn. Và rồi ta cứ tìm, tìm nữa, tìm mãi.

 

"Mọt sách" không bao giờ có sở thích gì ngoài đọc sách


Tôi không hẳn là một người đọc nhiều sách nếu so với những hàng trăm cuốn sách mà mọi người đọc mỗi năm. Điều đó xuất phát từ chính cái quan điểm mà tôi cho là một điều hiển nhiên luôn luôn đúng: số lượng sách bạn đọc không phản ánh được bao nhiêu giá trị con người bạn, điều quan trọng hơn là bạn học được gì và làm được gì sau đó. Đọc sách cũng vì vậy mà được xếp vào bên cạnh một loạt những hoạt động giải trí mà tôi cho rằng quan trọng không kém: thiền, tarot, viết lách, xem phim, nghe nhạc, đi dạo, ăn đồ ăn ngon và trò chuyện cùng bạn bè... Bởi lẽ đó, tôi thích được gọi là một người yêu sách hơn là mọt sách. Từ mọt sách nó mang trong mình nhiều thành kiến quá nên nhiều lúc dễ gây ra hiểu nhầm. Mà hiểu nhầm thì bạn biết rồi đấy, tai hại lắm!


Nếu xem đọc sách cũng chỉ là một loại sở thích như những sở thích khác thì chắc hẳn người ta đã không làm cho định nghĩa đó trở nên phức tạp hóa với nhiều định kiến như vậy.


Mai Phong Nguyệt Lão

Comments


There must be a quote here, but it cannot be described in words.

Feel it.

Mai Phong 

©2019 by Mai Vân Các. Proudly created with Wix.com

bottom of page