Mình nói gì khi nói về ngôn tình?
- Mai Phong
- Feb 7, 2020
- 7 min read
Updated: May 6, 2020

Ngôn tình là gì?
Ngôn là ngôn ngữ, ngôn từ; tình là tình yêu, tình cảm. Ngôn tình được hiểu nôm na là những ngôn ngữ tràn đầy tình cảm và cảm xúc. Nó là những câu chuyện tình yêu bắt nguồn từ Trung Quốc và có lẽ, nó là một danh từ riêng dành cho các bộ truyện tình cảm của Trung Quốc, vì ở những quốc gia khác, thường thì thể loại này sẽ được gọi là tiểu thuyết tình cảm.
Các thể loại thường gặp trong ngôn tình?
Các thể loại thường gặp trong ngôn tình rất đa dạng và phong phú.
Xét theo khía cạnh thời gian thì có:
• Truyện cổ đại/ cổ trang (thời vua chúa phong kiến ngày xưa)
• Truyện cận đại (những câu chuyện lấy bối cảnh thời Dân quốc)
• Truyện hiện đại (thanh xuân vườn trường, thanh mai trúc mã, đô thị tình duyên,hắc bang, tổng tài, hào môn thế gia,…)
• Truyện xuyên không (đi từ thời này sang thời khác)
• Truyện lấy viễn cảnh tương lai (ví dụ như thời mạt thế, nó tương đương với thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng phản địa đàng).
Ngoài ra còn có thể loại bất phân thời gian là huyền huyễn (có thần tiên, yêu ma,quỷ quái,...)
Mặc dù có rất nhiều thể loại truyện ngôn tình nhưng motif cốt truyện thường khá đơn giản và lặp lại. Nhiều lúc, đọc giả có thể đoán trước cái kết cho câu truyện mà chẳng cần đọc hết tác phẩm. Trừ khi tác giả muốn ngược đọc giả và quyết định thêm rất nhiều tình tiết cẩu huyết, ngược nam, ngược nữ, ngược tơi bời hoa lá cành thì thôi, mình xin phép không nói thêm vì kiểu này đọc rất đau não và mệt tâm, cái kết cũng khó lường vì nó còn tùy thuộc vào tâm trạng của tác giả nữa, không phải muốn đoán là đoán được.
Ở phân khúc cổ đại thì mảng hấp dẫn đọc giả nhất không phải là những câu chuyện thuần cổ đại mà là những câu chuyện có yếu tố trọng sinh/ trùng sinh. Trọng sinh là sống lại trên thân thể của người khác, còn trùng sinh là chết đi sống lại trên thân thể mình. Nhân vật chính kiếp trước sống không thuận lợi, chịu nhiều đau khổ, cha không thương, nương không cần. Thế nên được sống lại kiếp này, họ quyết tâm thay đổi vận mệnh của bản thân và trở thành những nhân vật thật lợi hại. Thường thì truyện kiểu này hay có yếu tố cường, nam cường – nữ cường, nếu tác giả không buff nam nữ chính quá thì OK.
Truyện cận đại, lấy bối cảnh thời Dân quốc là một đoạn lịch sử đầy bom khói chiến tranh, âm mưu chính trị, đa số những câu chuyện ở đây đều là SE- kết thúc không có hậu.
Truyện hiện đại có nhiều kiểu biến hóa nhưng đa số truyện về tổng tài thường sẽ có 419 (tình 1 đêm), hoặc kiểu oan gia cưới trước yêu sau. Có 1 số tổng tài còn bồi dưỡng 1 thế lực trong bóng tối hoạt động cho mình, gọi là yếu tố hắc bang. Thể loại thanh xuân vườn trường thì nhẹ nhàng và tình cảm sến súa hơn, nhưng nếu thanh xuân vườn trường mà kết hợp với gương vỡ lại lành thì yếu tố ngược cũng không ít. Mình không thích thể loại gương vỡ lại lành vì mình theo chủ trương là gương vỡ thì chẳng bao giờ có thể lành lại được hết!
Nên hay không nên đọc ngôn tình?
Vấn đề nào cũng sẽ có tính hai mặt, nên hay không nên sẽ tùy vào quan điểm mỗi người. Mình từ chối phát biểu quan điểm về việc có nên hay không nên đọc ngôn tình, nhưng mình sẽ nêu ra một số điểm cộng và điểm trừ cho vấn đề này.
Về điểm cộng:
• Tạo ra một thế giới đầy mơ mộng cho người đọc với đại đa số các yếu tố hoàn hảo
Nam chính cao phú soái, có một gia thế cực khủng, thường là những người nắm quyền lực trong xã hội, ví dụ ở thời cổ đại, đa số nam chính không phải vua thì cũng định sẵn là thái tử, hoặc nếu không phải là thái tử thì nhất định sẽ là hoàng tử, hoặc vương gia thất sủng nhưng cuối cùng sẽ giành được quyền lực cao nhất. Ở hiện đại thì quen thuộc là các tổng tài chi phối 2/3 nền kinh tế thế giới, thế lực trong sáng ngoài tối đều có đủ cả, hoặc không thì là con ông cháu cha, quyền lực không ai thua kém.
Về nữ chính thì thân phận đa dạng hơn, nhưng chủ yếu chia làm 2 loại: nếu không phải là nữ cường thì sẽ là tiểu bạch (một là nhất định phải thông minh, không thì phải đẹp).
Cả nam và nữ chính đều là các soái ca – soái tỷ, là hình mẫu của những người bạn đời hoàn hảo. Thế nên đọc giả sẽ được dịp sắm vai các nhân vật trong truyện, rồi tha hồ mà tưởng tượng về một tình yêu đẹp với những điều hạnh phúc.
• Những lời thoại, những triết lý về tình yêu trong ngôn tình phản ảnh đúng tâm trạng của những người trẻ.
Giữa những chông chênh và phong ba bão táp của đời thực, ai chẳng mong sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn, một công việc mỹ mãn và thành công khi còn trẻ, một cuộc sống thú vị với nhiều cung bậc cảm xúc hơn là những điều bình dị hàng ngày, một tình yêu đẹp với tất cả những gì lãng mạn và nồng nhiệt nhất. Ngôn tình, vì thế mà dành được sự đón nhận đặc biệt từ các bạn trẻ. Chưa kể đến chuyện ngôn tình cũng là một loại tiểu thuyết, nó hướng đọc giả tới những giá trị nhân văn của cuộc sống và những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp.
Về điểm trừ:
• Mơ mộng nhiều sẽ sinh ảo tưởng. Sống trong những ảo tưởng thì dễ gây oán hận với thực tại. Cần nhận biết bản thân mình ở đâu để bớt ảo tưởng sức mạnh, như thế thì đọc ngôn tình để giải trí cũng không phải là cái gì có hại.
• Cần phải thực tỉnh táo khi đọc ngôn tình vì nó chứa nhiều thông tin rác hơn những thể loại khác. Chưa kể có nhiều bộ, tác giả bị úng não nên có nhiều chi tiết làm cho người đọc không thể đỡ nổi, phi lý một cách bức xúc. Có nhiều bộ đọc mà chả có thu thập thêm được 1 tí kiến thức gì ngoài mấy cục tức.
Một vài đề cử
Mình đọc ngôn tình khá nhiều, nhưng dạo này thì hết rồi vì chẳng tìm được bộ nào ưng ý để mà đọc nữa. Bản thân mình thấy ngôn tình cũng bình thường, nó cũng có những mặt tốt và mặt xấu. Tuy nhiên, nếu biết phát huy những điểm tốt và hạn chế những điểm xấu thì ngôn tình cũng không đến nỗi tệ. Với tất cả bao nhiêu năm kinh nghiệm đọc ngôn tình, mình đề cử một vài bộ mình thấy hay:
• Cổ trang: Qủy y quận vương phi – Ngô Tiếu Tiếu, Rồng bay phượng múa – Minh Nguyệt Thính Phong, Công tử vô sắc – Thẩm Tiểu Chi, Đế nghiệp như họa – Mộ Dung Yên Nhi
Qủy y quận vương phi – Ngô Tiếu Tiếu, hay nhất trong mấy bộ nữ cường cổ trang. Nữ chính không bị buff lên quá, nội dung thì hay khỏi nói rồi, nhất là cú plot twist cuối cùng. Truyện có yếu tố xuyên không nhẹ và giải thích lý do tại sao lại xuyên không khá rõ ràng chứ không phải kiểu cho ngẫu nhiên 1 nhân vật đi xuyên không mà không có nguyên do gì cả.
Rồng bay phượng múa, Công tử vô sắc và Đế nghiệp như họa là những bộ truyện thuần cổ trang. Ba bộ này mình thích là vì cốt truyện lạ, đọc không thể đoán trước được kết cục. Trừ cái bộ Đế nghiệp như họa ra là OE, còn lại 2 bộ kia thì HE.
• Huyền huyễn, sư đồ luyến: Mộng lệ hoa lạc – Lâm Tuyết Linh.
Bộ này phải nói là vừa ý. Bình thường, mình không có thích đọc sư đồ luyến. Bộ này cũng là bộ sư đồ luyến đầu tiên mà mình đọc và thấy ưng ý nhất. Ban đầu đọc là vì thích kiểu kiếp trước kiếp sau, không ngờ truyện cũng không tệ, văn áng rất hay, logic và có hồn. Chỉ tội là tội các sư huynh trong truyện, ai cũng có khí phách, số là tất cả đều thua sư phụ. Sư phụ xưng vi sư mà đọc cứ cảm tưởng như vi phu á! OMG trái tim rung rinh :”>
• Xuyên không: Không phụ Như Lai, không phụ Nàng – Chương Xuân Di.
Tên ban đầu là Đức Phật và Nàng, sau này đổi thành Không phụ Như Lai, không phụ Nàng. Cuốn này là đỉnh cao của xuyên không. Tác giả Tiểu Xuân phải nói là có vốn kiến thức cực kì uyên thâm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có Phật pháp, Lịch sử và cả Chính trị nữa. Truyện về đề tài Phật giáo. Không phụ Như Lai, không phụ Nàng là một câu thơ trong bài thơ tình nổi tiếng của vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 6 của Tây Tạng là Thương Ương Gia Thố, ngài sa vào lưới tình nên chẳng thể sống tự do tự tại. Bài thơ đó như sau:
Tằng lự đa tình tổn phạn hành
Nhập sơn hựu khủng biệt khuynh thành
Thế gian an đắc song toàn pháp
Bất phụ Như Lai, bất phụ Khanh.
Bản dịch:
Tự thẹn đa tình đoạn kiếp tu
Nhập thiền khôn xóa bóng hình xưa
Thế gian ai vẹn đôi đường cả
Không phụ Như Lai, không phụ Nàng.
• Hiện đại: Hướng dẫn xử lí rác thải – Mộng Lý Nhàn Nhân.
Bộ truyện này có 2 tập, tất cả gồm 16 chương, xoay quanh việc xử lí những tra nam, tra nữ. Nam nữ chính mở 1 văn phòng thám tử, chuyên xử lí những vụ chia tay, li hôn và phân chia tài sản sau li hôn. Cuốn này sẽ cho đọc giả một góc nhìn mới về tình yêu và cuộc sống hôn nhân. Một bản phân tích thật rõ ràng. Yêu là một chuyện, còn có thể sống, chịu đựng và bao dung cho nhau không lại là một truyện khác. Tình yêu là một khía cạnh phức tạp đau khổ, quan trọng là người ta biết khổ nhưng vẫn cứ đâm đầu.
Hi vọng là khi yêu, tất cả chúng ta đều mạnh mẽ.
Mai Phong Nguyệt Lão
Comments