Chuyện đọc sách: Đọc Nhanh vs. Chậm
- Mai Phong
- Feb 9, 2020
- 4 min read
Updated: May 6, 2020
Nhanh hay chậm? Bài viết đề cập đến những vấn đề xoay quanh tốc độ đọc sách.
Tại sao người ta thích đọc nhanh?
Chắc hẳn đã từng có lúc bạn đọc vội, đọc vàng một cuốn sách để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu đọc sách của mình.
Chắc hẳn đã từng có lúc bạn cảm thấy vốn kiến thức của mình quá ít ỏi và nông cạn đến nỗi bạn ngấu nghiến đọc, đọc không ngừng nghỉ để an ủi bản thân bằng tất thảy những thông tin mình vừa tiếp nhận, và thở phào nhẹ nhõm vì cảm giác an tâm là mình không bỏ lỡ điều gì.
Cuộc sống quá đỗi ngắn ngủi mà chúng ta còn có quá nhiều thứ để phải học. Bởi vậy, chẳng có gì sai khi người ta luôn cố gắng tìm ra phương pháp đọc sách nhanh để rút bớt thời gian đọc sách. Chỉ cần một cú click chuột, chúng ta sẽ có được hàng ngàn kết quả với từ khóa “làm thế nào để đọc sách nhanh hơn”. Nhưng liệu rằng đọc sách nhanh hơn có đồng nghĩa với việc đọc sách hiệu quả hơn? Mình không thể trả lời được, nhưng có một vấn đề mình chắc chắn rằng, ăn nhanh mà không tiêu hóa kịp, chúng ta sẽ bị đầy bụng và khó tiêu. Ôi cái cảm giác đó, thực khó chịu!
Việc đọc nhanh có thực sự cần thiết?
Để trả lời câu hỏi rằng đọc nhanh có thực sự cần thiết hay không, chúng ta cần quay trở về với mục đích ban sơ của việc đọc sách. Bạn đọc sách với mục đích gì? Để giải trí, để tiếp nhận thông tin hay để nghiền ngẫm, phân tích và phản biện.
Nếu bạn đọc sách “cho vui” với mục đích giải trí thì đọc nhanh hay đọc chậm cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng nếu đọc sách để tiếp nhận thông tin thì lại khác. Việc đọc nhanh sẽ giúp ta tiếp nhận được nhiều thông tin hơn. Tuy nhiên, đọc sách một cách hiệu quả, chỉ tiếp nhận thông tin một cách đơn thuần là không đủ. Chúng ta cần phải dừng lại để mường tượng câu chữ, để phân tích, chuyển hóa thông tin và ở một cấp độ cao hơn là phản biện, tranh luận cùng quan điểm của tác giả. Chuyện này sẽ tốn đôi chút thời gian nhưng thành quả mà chúng ta nhận được, kiến thức sẽ trở thành kiến thức của ta, thật đáng công sức!
Đọc chậm cũng tốt nhưng đừng chậm một cách quá đáng
Nhiều người ủng hộ quan điểm rằng đọc sách phải đọc một cách chậm rãi và từ tốn. Họ nghiền ngẫm từng câu từng chữ và sợ rằng chỉ cần tăng tốc lên một tí thôi, họ sẽ bỏ lỡ một điều gì đó. Đọc chậm cũng tốt nhưng đừng cố gắng đọc kĩ từng chữ, từng chữ một để đảm bảo rằng mình sẽ nhớ được tất cả cuốn sách. Mình cần đọc hiểu chứ không phải là đọc thuộc và tất nhiên, dù có đọc kĩ từng chữ, từng chữ một như vậy thì việc nhớ được tất cả là điều không thể. Sách, đại đa số, không phải là để đọc chỉ một lần. Có những quyển cần phải đọc đi, đọc lại để nhiều tháng, nhiều năm sau mới có thể hiểu hết những thông điệp được truyền tải. Vì vậy, chẳng có gì phải lo lắng khi mình đọc xong mà không thẩm thấu được gì cả. Có thể, bây giờ vẫn chưa phải là lúc, nhưng đợi thêm một thời gian nữa đọc lại, mình sẽ ngộ ra nhiều điều hơn.
Đừng quan tâm nhiều đến tốc độ, hãy thưởng thức
Đừng quá chăm chăm vào tốc độ, hãy thưởng thức. Nếu đó là một đoạn hay, dừng lại và cảm nhận, thậm chí đọc lại hai hay ba lần cũng được. Nếu đó là một đoạn không cần thiết, đọc lướt để nắm nội dung. Khi cảm nhận rằng mình không thể tiếp tục đọc nữa, đừng cố đọc nhanh, đọc lẹ cho xong để coi như đã hoàn thành mục tiêu. Sách dở quá thì bỏ qua, đọc tốn thời gian. Sách hay nhưng khó đọc, đọc chậm cũng không hiểu nổi thì cất lại, đợi một lúc nào đó cảm giác thôi thúc muốn đọc thì lại đọc.
Chúng ta phải tự do để thấy rằng niềm vui và hạnh phúc không đến thông qua nỗ lực (Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krishnamurti). Điều đó có nghĩa là không cần phải nỗ lực để hoàn thành 1 cuốn sách, vì khi đó, nó không còn được gọi là thú vui đọc sách nữa. Đọc sách là một thú vui, như cách ta chơi cờ hay thưởng thức âm nhạc. Mọi nỗ lực hay áp đặt một khuôn khổ cho việc đọc sách chỉ làm cho việc đọc sách thôi không còn là tự do.
Vậy chúng ta đọc sách để làm gì, khi chúng ta không cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc?
Mai Phong Nguyệt Lão
Comments